Tết Trung nguyên (Rằm tháng Bảy) - Nguồn gốc, ý nghĩa & phong tục cần biết

Tết Trung nguyên

1. Ý nghĩa của ngày Rằm tháng Bảy

- Vào ngày này, người ta không chỉ tưởng nhớ người thân và tổ tiên đã khuất mà còn là dịp họ giúp đỡ các linh hồn bơ vơ đói khát không có gia đình, người thân thờ cúng và thể hiện tấm lòng từ bi hỉ xả. Vì vậy, nhiều gia đình sẽ làm hai mâm cúng: Một mâm để cúng gia tiên, mâm còn lại dành để cúng cô hồn.

- Đây còn là ngày người ta bày tỏ lòng biết ơn và tôn kính đối với cha mẹ dù họ còn sống hay đã qua đời (Lễ Vu lan báo hiếu).

2. Nguồn gốc của ngày lễ Vu lan

Lễ Vu lan xuất xứ từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói).

Nguồn gốc của ngày lễ Vu lan

Theo kinh Vu lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mấu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông nhớ mẹ và muốn biết bây giờ bà như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi tìm để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi tránh không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khỉ thức ăn đưa lên miệng thì đã hóa thành lửa đỏ.

Mục Kiền Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: “Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày Rằm tháng Bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”.

Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Kiền Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu lan ra đời.

3. Nguồn gốc của lễ xá tội vong nhân

Việc cúng cô hồn bắt nguồn từ truyền thuyết giữa ông A Nan Đà, thường gọi tắt là A Nan, với một con quỷ miệng lửa (diêm khẩu) cũng gọi là quỷ mặt cháy (diêm nhiên).

Nguồn gốc của lễ xá tội vong nhân

Vào một buổi tối, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ tiên báo cho A Nan biết rằng ba ngày sau ông sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa mặt cháy như nó. A Nan nghe thấy thế, hoảng quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi cảnh khổ ấy. Quỷ đói nói: “Ngày mai, ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, lại vì tôi mà cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ mà tôi đây cũng sẽ được luân hồi chuyển kiếp”. A Nan đem chuyện bạch với Đức Phật. Phật bèn đặt cho bài chú gọi là “Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Đà La Ni”, đem tụng trong lễ cúng để được thêm phước, để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa, nhưng dân gian thì hiểu rộng ra và trại đi thành cúng cô hồn, tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ không nơi nương tựa vì không có ai là người thân trên trần gian cúng bái.

Dù được cử hành trong cùng một ngày nhưng lễ cúng cô hồn khác với lễ Vu lan. Một lễ là để cầu siêu cho cha mẹ nhiều đời được siêu thoát, còn lễ kia là để cúng thí thức ăn cho những vong hồn chưa được siêu thoát, những vong hồn không nơi nương tựa, không người cúng kiếng.

4. Những phong tục thường thấy trong ngày Rằm tháng Bảy

- Trước hoặc trong ngày Rằm tháng Bảy, nhiều người đến chùa để thực hiện nghi lễ cúng vái. Họ thường làm điều đó vào ban ngày bởi vì người ta tin rằng, khi mặt trời đã lặn thì đồng nghĩa với việc cửa âm phủ đã đóng và linh hồn không thể về âm phủ.

- Những gia đình có điều kiện thường làm hai mâm cúng: Một mâm cúng tổ tiên tại bàn thờ trong nhà và mâm còn lại dùng để cúng chúng sinh đặt ở ngoài nhà.

+ Trong mâm cúng tổ tiên, các gia đình chuẩn bị cỗ mặn, tiền vàng và những vật dụng cá nhân như quần áo, nhà lầu, xe hơi, điện thoại... dành cho người cõi âm làm bằng giấy (mà người ta thường gọi là đồ hàng mã).

Những phong tục thường thấy trong ngày Rằm tháng Bảy

+ Đối với mâm cúng chúng sinh, người ta chuẩn bị quần áo làm từ những mảnh giấy với nhiều màu sắc khác nhau, các loại ngô khoai, bánh kẹo, bỏng gạo, cháo trắng hoặc cháo hoa, tiền vàng, nước lã hay rượu, tiền lẻ...

Mâm cúng chúng sinh

- Ngoài ra, vào ngày Rằm tháng Bảy, các ngôi chùa thường có lễ phóng sinh như thả chim, thả cá...

- Trong ngày lễ Vu lan, người ta thường đến chùa cầu kinh cho linh hồn mẹ được siêu thoát. Những người còn mẹ thì sẽ cài bông hồng đỏ lên trước ngực để tỏ lòng hiếu thảo, biết ơn và ngược lại, người nào có mẹ đã khuất núi thì sẽ cài bông hồng màu trắng.

Trong ngày lễ Vu lan, người ta thường đến chùa cầu kinh cho linh hồn mẹ được siêu thoát

5. Ca dao, tục ngữ về Rằm tháng Bảy

Khuyên nhau theo gót Mục Kiền Liên

Báo đáp ân thâm cả lưỡng miền

Kẻ mất, siêu sanh về Lạc quốc

Người còn, dương thế được an nhiên

***

Lên non lượm quả Bồ đề

Cầu cho cha mẹ thác về Lạc bang

Lên chùa dự lễ Vu lan

Cầu cho cha mẹ thoát đàng tử sanh.

***

Mùa hè mai nở mới kỳ

Vu lan cầu nguyện, nguyện chi cũng thành

***

Ngày rằm xá tội vong nhân

Lòng con lại nhớ song thân dạ đài

***

Nhớ ngày xá tội vong nhân

Lên chùa lạy phật đền ơn sinh thành

***

Vu Lan tháng Bảy ngày Rằm

Lòng con hiếu thảo ghi lòng chớ quên.

Viết bình luận