Ngày Quốc khánh - Nguồn gốc, lịch sử & ý nghĩa

Ngày Quốc khánh Việt Nam

1. Lịch sử ngày Quốc khánh Việt Nam

Cách mạng tháng Tám thành công trong cả nước đã chấm dứt thời kỳ nô lệ của nhân dân dưới ách thống trị của đế quốc Pháp và phát xít Nhật. Chính quyền phong kiến triều Nguyễn đã sụp đổ hoàn toàn. Chủ quyền đất nước đã về tay nhân dân lao động.

Tuy nhiên, rất nhiều khó khăn đang đặt ra trước mắt: chiến tranh tàn phá, kinh tế kiệt quệ, nạn đói đầu năm Ất Dậu làm chết hơn hai triệu người, để lại nhiều hậu quả nặng nề, mối đe dọa của lũ lụt ở đồng bằng Bắc Bộ và nguy cơ quay trở lại xâm lược của thực dân Pháp ở miền Nam. Trong tình hình phức tạp muôn vàn thử thách đó, Đảng và Bác Hồ đã tập trung giải quyết vấn đề cơ bản của cách mạng là thiết lập chính quyền nhân dân trong cả nước.

Ngày 25 tháng Tám năm 1945, Hồ Chủ tịch từ chiến khu trở về ngoại thành Hà Nội. Chiều hôm sau, Người về ở căn gác hai nhà số 48 phố Hàng Ngang để trực tiếp chỉ đạo phong trào đấu tranh.

Tại đây, Người đã chủ tọa phiên họp của Thường vụ Trung ương Đảng bàn về những công tác đối nội và đối ngoại, quyết định việc khẩn trương tổ chức lễ ra mắt chính phủ lâm thời.

Theo sự phân công của Ban Thường vụ, Người khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Trên chiếc bàn ăn của căn gác nhỏ, Hồ Chủ tịch đã viết một văn kiện lịch sử bất hủ.

Lịch sử ngày Quốc khánh Việt Nam

Từ sáng sớm ngày Hai tháng Chín năm 1945, hàng chục vạn người hàng ngũ chỉnh tề, đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân, hân hoan phấn khởi tiến về Ba Đình chờ đón giờ khai sinh của chế độ mới - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cùng giờ này, nhiều cuộc mít tỉnh lớn được tổ chức tại Huế, Sài Gòn và nhiều thành phố khác. Muôn triệu trái tim hồi hộp hướng về Hà Nội, đợi chờ.

Thay mặt Chính phủ lâm thời - tức là ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương - Hồ Chí Minh đọc vang bản Tuyên ngôn Độc lập, khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!” Người trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Bắt đầu từ giây phút đó, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời.

Cũng từ đó, ngày mồng Hai tháng Chín trở thành ngày Quốc khánh của dân tộc Việt Nam, là ngày đánh dấu dân tộc Việt Nam trở thành một nước độc lập tự do.

2. Ý nghĩa ngày Quốc khánh

- Tuyên ngôn Độc lập bất hủ 2/9/1945 đã mở ra một kỉ nguyên mới, thời kỳ tự do và độc lập cho nhân dân và Tổ quốc Việt Nam.

- Bản Tuyên ngôn Độc lập không chỉ có ý nghĩa đối với nền độc lập của dân tộc Việt Nam, mà còn là sự mở đầu kỉ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa, bị áp bức trên toàn thế giới.

- Khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày mồng Hai tháng Chín là một mốc son hào hùng của dân tộc Việt Nam trong suốt chặng đường lịch sử. Với ý nghĩa và tầm vóc lớn lao đó, ngày mồng Hai tháng Chín trở thành ngày hội lớn của dân tộc, ngày Quốc khánh của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

3. Ngày Quốc khánh của một số quốc gia trên Thế Giới

Ngày quốc khánh đối với mỗi quốc gia là một ngày đặc biệt, nó đánh dấu một sự kiện quan trọng trong lịch sử, văn hóa, chính trị... ở nước đó. Chúng ta hãy cùng điểm qua một số ngày quốc khánh của các nước trên thế giới.

- Nước Mỹ lấy ngày mồng Bốn tháng Bảy, ngày Độc Lập, ngày các thuộc địa của Anh ở lục địa Bắc Mĩ tuyên bố độc lập khỏi Vương quốc Anh bằng bản Tuyên ngôn Độc lập (1776) của Thomas Jefferson và trở thành Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ (tên gọi đầy đủ của nước Mỹ) là ngày Quốc khánh. Ngày lễ này thường được kỉ niệm bằng những cuộc diễu hành, liên hoan ngoài trời, và nhiều buổi lễ công cộng. Từ năm 1777, pháo hoa đá được đốt để đón mừng ngày lễ này.

- Pháp lấy ngày 14/07/1789, là ngày quần chúng Paris nổi lên đập phá nhà tù Bastille, khởi đầu cho cuộc cách mạng Pháp, sự sụp đổ của nhà nước phong kiến dưới triều vua Louis XVI, khai sinh ra nền Cộng hòa. Từ năm 1790, nhân dân Pháp đã nhất trí chọn ngày này làm ngày Quốc khánh.

- Quốc khánh Liên bang Xô Viết là ngày 7/11/1917, ngày diễn ra cuộc Cách mạng Tháng Mười, đánh dấu sự ra đời của nhà nước Nga Xô Viết do Vladimir llyich Lenin và Đảng Bolshevik lãnh đạo.

- Quốc khánh Ấn Độ là ngày 15/8/1947, ngày thực dân Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ.

- Quốc khánh Trung Quốc là ngày 01/10/1949. Đáy là ngày lãnh tụ cách mạng Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên Quảng trường Thiên An Môn sau chiến thắng toàn diện trong Nội chiến Trung Quốc.

- Quốc khánh Singapore vào ngày 9/8/1965, ngày mà đảo quốc này được công nhận nền độc lập sau khi tách khỏi liên bang Mã Lai

Viết bình luận