Những tục lệ thờ cúng vào Tết Đoan Ngọ
Tết Đoan ngọ là dịp người ta thường ăn Tết ở nhà với gia đình. Buổi sáng sớm ngày Tết Đoan ngọ người ta ăn bánh tro, trái cây, và rượu nếp để giết sâu bọ, bệnh tật trong người. Thường lệ người ta ăn rượu nếp tức thì sau khi họ ngủ dậy.
Người ta cúng lễ cho một tiết mới, mừng sự trong sáng và quang đãng. Vì ngày này, theo quan niệm dân gian, khí dương mạnh nhất trong năm, người ta cúng lễ để cầu an. Cũng theo quan niệm dó, các loại cây lá hái trong thời gian này có tác dụng chữa bệnh tốt nhất nên các thầy thuốc Đông Y thường lên núi hái thuốc.
Theo học thuyết âm dương Ngũ hành. Ngọ được xếp vào quẻ Ly, thuộc hành Hỏa. Trong một ngày, dương khí cao nhất là giờ Ngọ. Trong một tháng, dương khí cao nhất vào những ngày Ngọ, nhất là ngày Ngọ thượng tuần đầu tháng. Trong năm, dương khí cao nhất vào tháng Ngọ. Như vậy, dương khí đạt cực điểm vào giờ Ngọ của ngày Ngọ đầu tiên trong tháng Ngọ.
Nhưng tại sao người ta lại chọn ngày 5/5 mà không chọn ngày Ngọ đầu tiên của tháng 5 làm Tết giết sâu bọ?
- Thứ nhất là để mọi người dễ nhớ.
- Thứ hai là để tưởng nhớ Khuất Nguyên.
- Thứ ba, theo lịch cổ thì ngày này xuân vận đã hết, hạ vận chuyển sang. Sự chuyển tiết giữa hai mùa dễ gây bệnh thời khí ở con người. Sâu bọ, côn trùng cũng được dịp phát triển, gây bệnh cho người, vật nuôi và cây cối. Bởi vậy vào tiết này, người ta làm lễ dâng hương cầu cho sâu bọ có hại bị tuyệt diệt, người tai qua nạn khỏi, được mùa.
- Thứ tư, 5/5 là ngày cực dương hoặc gần với cực dương, con người cũng như mọi vật cần dự trữ năng lượng để chống lại dương khí quá cao của trời đất. Họ cần ăn một số hoa quả hay thực phẩm giàu năng lượng như trứng luộc, cái rượu, cháo chè kê, bánh đa, uống rượu xương bồ... để khai mở cửu khiếu (9 cái lỗ tự nhiên trên cơ thể), thông dương khí hòa cùng trời đất. Nhiều người còn ăn những hoa quả có vị chua như mận với hàm ý giảm sự mãnh liệt của Can, hạn chế những tác động xấu tới tạng Tâm và hệ thống mạch máu.
Nhiều người cho rằng vào Tết Đoan ngọ, cây cối sẽ tích trữ nhiều dược chất để chống lại dương khí khắc nghiệt. Do đó nhiều lương y tổ chức hái thuốc vào trưa 5/5 để mong có hiệu quả cao nhất. Tục hái thuốc mùng 5 bắt đầu từ giờ Ngọ, bởi theo quan niệm dân gian đó là giờ có dương khí tốt nhất trong cả năm, lá cây cỏ thu hái được trong giờ dó có tác dụng chữa bệnh tốt, nhất là các chứng ngoại cảm, các chứng âm hư.
Nhiều địa phương miền Trung còn có quan niệm rằng, đúng vào giờ Ngọ ngày này, hái bất kỳ thứ hoa, lá nào cũng đều là dược thảo, có thể uống để tiêu trừ bệnh tật.
Người ta hái bất kỳ loại lá gì có sẵn trong vườn, trong vùng, miễn sao đủ trăm loại, nhiều ít không kể, nhất là lá ích mẫu, lá cối xay, lá với, ngải cứu, sả, tử tô, kinh giới, lá tre, lá bưởi, cam, chanh, quýt, mít, muỗm, hành, tỏi, gừng, chè, ổi, trầu không, sài đất, sống đời, bồ công anh, sen, vông, lạc tiên, nhọ nồi... Cây và lá đủ loại hái về, băm nhỏ trải dài dọc lối đi, mùi nồng thơm thoang thoảng.
Lá mùng năm sau khi phơi vài nắng cho khô, sẽ cho vào giỏ hay bao, cất lên giàn bếp, lúc hữu sự mới lấy ra dùng. Đó có thể xem là một tủ thuốc gia đình, một vị lương y đắc dụng trong những cơn đau bụng, ngộ độc thức ăn, đi tả, nửa khuya gà gáy cấp kỳ... Chỉ cần một nắm nhỏ, cho vào om đất, sắc đặc queo, mùi thuốc bay sực nức, uống vào, bệnh sẽ thuyên giảm ngay.
Nhiều nhà ưa chuộng loại lá này đến mức độ gần đến ngày Tết Đoan ngọ đã háo hức chờ đến ngày này rồi khi vừa bước vào giờ Ngọ là để nguyên mâm cơm cúng còn nghi ngút khói hương, tập trung cả nhà ra vườn và quanh xóm hái thật nhiều lá cây và hoa đem về chờ phơi khô treo lên giàn bếp để dành uống và đãi khách thay nước chè hay trà nhiều tháng trong năm, gọi là uống “nước lá mùng năm”.
Tuy vậy, một điều chắc chắn là mọi người đều hái toàn những loại hoa, lá thông dụng có tác dụng y dược quen thuộc trong dân gian, không ai dám thử hái những loại hoa lá đã biết chắc là có chứa độc tố nên xưa nay hầu như chưa có trường hợp đặc biệt nào chết người do uống loại nước lá mùng năm này.
Trong ngày này, nhiều người tắm nước lá mùi để phòng bệnh và tẩy trừ sâu bọ. Những địa phương ở ven biển đúng giờ Ngọ thì đi tắm biển, gần sông thì đi tắm sông, gọi là tắm mùng năm.
Vào dịp Tết Đoan ngọ, ai bị cảm cúm thường dùng 5 loại lá: Bạch đàn, xương rồng, ngũ trảo, dâu tằm, và sả nấu nước xông để bớt bệnh. Người ta cũng tìm cành xương rồng, ngải cứu treo trước cửa hay trong nhà để đuổi tà ma.
Viết bình luận