Giỗ Tổ Hùng Vương - Nguồn gốc, ý nghĩa & phong tục cần biết
Mục lục nội dung
1. Ngày giỗ Tổ Hùng Vương nhằm mục đích gì?
Ngày giỗ Tổ Hùng Vương hay Lễ hội Đền Hùng là một lễ hội lớn mang tầm vóc quốc gia ở Việt Nam, tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc. Nghi lễ truyền thống được tổ chức hàng năm tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Lễ hội diễn ra vào ngày mồng Mười tháng Ba Âm lịch, tuy nhiên, thực chất đã diễn ra từ hàng tuần trước đó với những phong tục như đâm đuống (đánh trống đồng) của dân tộc Mường, hành hương tưởng niệm các vua Hùng, và kết thúc vào ngày mồng Mười tháng Ba Âm lịch với lễ rước kiệu và dâng hương trên đền Thượng.
2. Nguồn gốc ngày giỗ Tổ Hùng Vương
Có bao giờ bạn thắc mắc tại sao đồng bào chúng ta lại chọn ngày mồng Mười tháng Ba làm ngày giỗ Tổ?
Truyền thuyết kể rằng Tổ Phụ Lạc Long Quân lấy Tổ Mẫu Âu Cơ sinh ra 100 con, 50 con theo cha xuống biển, 50 con theo mẹ lên núi và con cả được truyền ngôi lấy hiệu là Hùng Vương. Thường thường, khi người ta nói đến giỗ Tổ là nói đến giỗ Tổ Hùng Vương.
Ngày giỗ Tổ Hùng Vương xuất hiện từ khi nào? Theo những tài liệu còn lưu lại, hình thức sơ khai của ngày giỗ Tổ đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử, cách đây hơn 2.000 năm. Trong suốt chiều dài lịch sử, nhiều vị vua của các triều đại phong kiến Việt Nam ngay từ khi lên ngôi đã từng bước xác lập ngọc phả về thời đại Hùng Vương, khẳng định vai trò to lớn của các vua Hùng đối với non sông đất nước.
Ngày giỗ Hùng Vương từ lâu đã được công nhận là một trong những ngày quốc lễ của Việt Nam. Từ thời xưa, các triều đại quân chủ phong kiến Việt Nam đã quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm giỗ Tổ vào ngày mồng Mười tháng Ba Âm lịch; đổi lại dân địa phương được triều đình miễn cho những khoản thuế ruộng cùng sưu dịch và sung vào lính.
Sang thế kỉ 20, năm 1917 triều vua Khải Định, Bộ Lễ chính thức gửi công văn ghi ngày 25 tháng Bảy phái quan hàng tỉnh của tỉnh Phú Thọ lấy ngày mồng Mười tháng Ba Âm lịch thì cử hành “quốc tế” hàng năm, tức là quy định cho các quan phải mặc phẩm phục lên Đền Hùng thay mặt triều đình Huế cúng tế.
Ngày mồng Mười tháng Ba từ đó được dùng cho toàn quốc. Khi chế độ phong kiến kết thúc thì ngày giỗ Tổ Hùng Vương vẫn được Việt Nam Cộng hòa công nhận là ngày nghỉ lễ chính thức cho đến năm 1975. Ngày 6/1/2001, chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ban hành Nghị định số 82/2001/NĐ-CP quy định về quy mô, nghi lễ tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng hàng năm. Ngày mồng Mười tháng Ba trở thành ngày Quốc giỗ của cả dân tộc. Tuy nhiên, năm 2007 mới chính thức có quy định ngày nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương.
UNESCO đã công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng” là “kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể đại diện của nhân loại”.
3. Ý nghĩa ngày giỗ Tổ Hùng Vương
- Từ ngàn đời nay Đền Hùng là nơi tưởng nhớ, tôn vinh công lao các vua Hùng, là biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.
- Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn sâu sắc các vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước.
- Ngày giỗ Tổ Hùng Vương là ngày hội chung của toàn dân, là ngày hội quần tụ của cả dân tộc, là ngày để chúng ta - mỗi người dân Việt khẳng định sức mạnh giống nòi, và sức trường tồn mãnh liệt của văn hóa dân tộc.
4. Các hoạt động ngày giỗ Tổ Hùng Vương
- Vi là ngày Quốc lễ nên tất cả mọi người thuộc các cơ quan đoàn thể đều được nghỉ làm. Học sinh cũng được nghỉ lễ.
- Nhân dân ở mọi miền đất nước đều nô nức về Đền Hùng - Phú Thọ để dâng hương tưởng niệm.
- Lễ hội Đền Hùng với phần tế lễ và phần hội luôn mang đậm văn hóa truyền thống. Phần tế lễ được cử hành trọng thể mang tính Quốc lễ. Lễ vật dâng cúng là “lễ tam sinh”, là bánh chưng, bánh dày, xôi nhiều màu... Nhạc khí cử hành là trống đồng cổ. Với những nghi lễ văn hóa đậm nét, cả dân tộc trong một khoảnh khắc linh thiêng cùng nhau hướng về nguồn cội của mình.
- Người dân ở khắp mọi miền đất nước dâng lên vua Hùng những sản vật tiêu biểu của văn hóa truyền thống, đó là bánh chưng, bánh dày, xôi nhiều màu...
Các hoạt động này đều thể hiện niềm tự hào sâu sắc, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” vô cùng tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam.
5. Ca dao về ngày Giỗ tổ
Tổ Hùng 1à vị cha chung
Trăm con ở khắp mường trong mường ngoài,
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba,
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.
Viết bình luận