Lịch sử & ý nghĩa của ngày truyền thống học sinh - sinh viên
Mục lục nội dung
Học sinh - sinh viên là một lực lượng lớn trong xã hội, không chỉ là tương lai của đất nước, dù trong kháng chiến hay trong thời bình, học sinh - sinh viên cũng đóng góp rất nhiều cho sự phát triển xã hội. Có một ngày kỉ niệm đặc biệt của học sinh, sinh viên Việt Nam, đó là ngày mồng Chín tháng Một, ngày Truyền thống học sinh, sinh viên.
1. Lịch sử ngày Truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam
Nhận thức được vai trò to lớn của lực lượng học sinh, sinh viên trong phong trào đấu tranh cách mạng và giải phóng dân tộc, đồng chí Nguyễn Ái Quốc rất chú trọng truyền bá tư tưởng cách mạng, giác ngộ tầng lớp học sinh sinh viên. Trong giai đoạn 1925 - 1945, các tổ chức học sinh, sinh viên yêu nước lần lượt ra đời, như: tổ chức Học sinh Đoàn, Đội Ngô Quyền, Tổng hội Sinh viên, đã lãnh đạo phong trào đấu tranh sôi nổi của học sinh, sinh viên dưới ngọn cờ của Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Từ năm 1947 đến 1949, Hội Học sinh kháng chiến, Đoàn Sinh viên kháng chiến ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội đã thành lập, sau đó phát triển rộng rãi ra cả ba miền Bắc, Trung, Nam.
Ngày 9/1/1950, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn Học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn đâ vận động và tổ chức cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên các trường cùng nhiều giáo viên và 7.000 nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn biểu tình đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt và mở lại trường học. Đoàn biểu tình đã bị đàn áp dã man. Sinh viên Trần Văn Ơn (14 tháng Tư năm 1931 - 9 tháng Một năm 1950) là một học sinh trường Pétrus Ký đã bị chính quyền Pháp nổ súng bắn chết trong phong trào biểu tình của học sinh, sinh viên Sài Gòn đầu năm 1950. Cái chết của anh đã gây tiếng vang lớn, có tác động rộng khắp trong phong trào đấu tranh của dân chúng Sài Gòn sau đó.
Cuộc đàn áp đẫm máu ngày 9/1/1950 và tinh thần chiến đấu hy sinh oanh liệt của Trần Văn Ơn làm dấy lên trong học sinh, sinh viên và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn lòng căm thù giặc và ý chí đấu tranh kiên quyết chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai.
Với sự kiện lịch sử đó, noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2/1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày mồng Chín tháng Một hàng năm làm ngày truyền thống học sinh - sinh viên. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V (22-23/11/1993) tại thủ đô Hà Nội đã quyết định lấy ngày mồng Chín tháng Một đồng thời làm ngày Truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam.
2. Ý nghĩa của ngày Truyền thống học sinh - sinh viên
- Ngày Truyền thống học sinh sinh viên ra đời nhằm ghi nhận sự hi sinh, những đóng góp lớn lao và những thành tích đấu tranh, đồng thời biểu dương tinh thần chiến đấu của những người trẻ tuổi, dù vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng kiên cường, bất khuất, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
- Đây cũng là dịp để động viên tinh thần cho học sinh, sinh viên thi đua phấn đấu, rèn luyện, cống hiến phục vụ đất nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
- Học sinh - sinh viên chúng ta có quyền tự hào rằng trong bất kì hoàn cảnh nào, học sinh, sinh viên Việt Nam luôn kế tục và phát huy những truyền thống vẻ vang của đất nước, không phụ tấm lòng và sự chú tâm bồi dưỡng của gia đình và xã hội.
3. Những hoạt động chào mừng
- Vào ngày này, các tổ chức, trường học và Đoàn Thanh niên từ trung ương tới cấp cơ sở đều tổ chức các hoạt động lễ mít tinh chào mừng.
- Trong lễ kỷ niệm, các đơn vị và cá nhân xuất sắc được tuyên dương và trao bằng khen vì các thành tích xuất sắc trong học tập và các hoạt động tập thể.
- Các cuộc thi đấu thể dục thể thao và giao lưu văn nghệ cũng được tổ chức, tạo sân chơi và môi trường gặp gỡ, giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết giữa học sinh, sinh viên trong trường và giữa các trường với nhau.
Viết bình luận