Tết Hàn thực - Nguồn gốc, ý nghĩa & phong tục cần biết

Tết hàn thực

1. Hàn thực nghĩa là gì?

“Hàn thực” nghĩa là “thức ăn lạnh”. Hàng năm vào ngày mùng Ba tháng Ba Âm lịch, người lớn thường xay bột, đồ đỗ xanh, làm bánh trôi, bánh chay, nấu xôi chè lễ Phật và cúng gia tiên, có lẽ đó cũng là một cách tưởng niệm người đã mất trong những ngày tháng cuối xuân.

2. Tết Hàn thực có nguồn gốc từ đâu?

Tết Hàn thực có xuất xứ từ Trung Quốc. Đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công nước Tấn, gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, có một hiền thần đi theo phù trợ là Giới Tử Thôi. Một lần, hết lương thực, Giới Tử Thôi cắt một miếng thịt đùi của mình nấu lên cho vua ăn. Khi biết chuyện, nhà vua vô cùng cảm kích.

Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công, nhưng lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm. Nhưng vua triệu thế nào, Giới Tử Thôi cũng không ra lĩnh thưởng. Vua đành cho người đốt rừng để thúc ép, nhưng ông nhất định không chịu tuân mệnh, cuối cùng cả hai mẹ con ông đều chết cháy.

Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm (khoảng từ mồng Ba tháng Ba đến mồng Năm tháng Năm Âm lịch hàng năm).

3. Ý nghĩa ngày Tết Hàn thực ở Việt Nam

Tuy có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng từ thời Lý, Tết Hàn thực đã được Việt hóa. Người Việt tổ chức Tết Hàn thực với những phong tục rất riêng.

- Vào ngày mùng Ba tháng Ba Âm lịch hằng năm, người Việt không kiêng lửa, vẫn nấu nướng bình thường, làm cỗ cúng và dân ta đều ăn đồ nấu chín để nguội với tấm lòng thành kính nhất nhằm tưởng nhớ đến công ơn của tổ tiên, nguồn cội. Và cũng trong dịp này, dù ai đi đâu, ở đâu đến ngày mùng Ba tháng Ba Âm lịch cũng cố gắng về với gia đình để được đi tảo mộ, để cùng nhau ngồi bên mâm cơm sum họp gia đình.

4. Những món ăn truyền thống của người Việt trong ngày Tết Hàn thực

- Trong ngày này, nhà nhà lại chuẩn bị làm bánh trôi, bánh chay để cúng tổ tiên và để ăn với ý nghĩa tượng trưng đó là những thức ăn nguội.

- Bánh trôi được làm bằng bột nếp, nặn viên nhỏ, trong nhân là những viên đường đỏ, thả luộc trong nồi nước sôi, khi bánh nổi lên mặt nước thì vớt ra để nguội. Khi ăn, bố mẹ chúng ta thường hay rắc vừng lên trên để bánh thêm thơm bùi.

- Bánh chay cũng được làm bằng bột nếp, trong nhân là đỗ xanh đồ chín. Bánh được luộc chín, đựng trong bát con, với nước chè sắn dây thơm mùi hoa bưởi.

- Ngày nay người ta biến tấu bánh trôi, bánh chay theo nhiều vị khác nhau. Ngoài bánh trôi truyền thống nhân đường đen rắc vừng thì người Việt còn làm các loại bánh trôi lá dứa đậu xanh, hay bánh trôi nhân lạc rang, bánh trôi nhân đậu đỏ nước gừng,...

Những món ăn truyền thống của người Việt trong ngày Tết Hàn thực

Mặc dù khác nhau về màu sắc và mùi vị nhưng chúng vẫn là bánh trôi và mang ý nghĩa về một ngày Tết Hàn thực trọn vẹn!

5. Bánh trôi trong thơ ca Việt

Ai được thoát thân, thì ăn bánh lọt

Trôi nước rất ngọt, để các thợ chài

Dầm mưa hoài hoài, thì ăn bánh ướt

Bất toại vô phước, thì sẵn bánh bò.

(Ca dao)

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

(Bánh trôi nước - Hồ Xuân Hương)

Viết bình luận