Tết Ông Táo - Nguồn gốc, ý nghĩa & phong tục cần biết
Mục lục nội dung
1. Nguồn gốc Tết ông Công, ông Táo
Người Việt có sự tích “hai ông một bà” - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc để giải thích nguồn gốc của ba vị Táo Quân.
Chuyện kể rằng, ngày xưa có hai vợ chồng tiều phu nghèo, vì không con nên hay buồn phiền, cãi cọ lẫn nhau. Một hôm, người chồng giận quá, đánh vợ. Quá buồn tủi, người vợ bỏ nhà ra đi, sau đó gặp và bằng lòng làm vợ của một chàng thợ săn miền ngược. Sau khi người vợ bỏ đi, người chồng cũ ân hận, bỏ công ăn việc làm đi khắp mọi nơi tìm vợ và trở thành người hành khất sống qua ngày.
Một lần vào xin ăn gia đình nọ, được bà chủ mang cơm ra đãi, người chồng nhận ra bà chủ là vợ mình, người vợ cũng nhận ra chồng cũ. Hai người trò chuyện, hỏi han. Sợ người chồng mới về hiểu lầm nên người vợ bảo người chồng cũ trốn vào đống rơm ngoài vườn để nàng tìm cách thu xếp cho êm đẹp.
Người chồng cũ đi đường xa mệt mỏi nên ngủ thiếp trong đống rơm. Lúc người chồng mới về, nhớ đến việc thiếu tro bón ruộng, liền châm lửa đốt đống rơm. Sự việc xảy ra quá bất ngờ, người vợ chạy ra thấy vậy ân hận quá liền nhảy vào đống lửa chết theo chồng cũ.
Thấy vợ chết cháy, người chồng mới cũng thương xót tiếp tục nhảy vào đống lửa đang cháy đỏ và cuối cùng cũng chết cháy.
Thượng đế thương tình thấy ba người sống có tình có nghĩa nên phong cho làm vua bếp hay còn gọi là Định phúc Táo Quân và giao cho người chồng mới là Thổ Công trông coi việc trong bếp, người chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà, còn người vợ là Thổ Kì trông coi việc chợ búa. Dân gian vẫn gọi ba vị này là Táo Quân hay đơn giản là ông Táo.
Hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo Quân sẽ lên thiên đình để báo cáo mọi việc lớn nhỏ trong nhà của gia chủ vợi Ngọc Hoàng. Vì vậy, vào ngày này người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu Trời rất trọng thể. Cho đến đêm Giao thừa, Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình.
2. Ý nghĩa của Tết ông Công ông Táo
Người Việt quan niệm ba vị Táo Quân quyết định phúc đức cho gia đình. Ngoài ra, các vị Táo còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào nhà ở, giữ bình yên cho các thành viên trong nhà.
Vì Táo Quân quanh năm chỉ ở trong bếp, biết hết mọi chuyện trong nhà, cho nên để Vua Bếp phù trợ cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu Trời rất trọng thể. Đến trưa 30 Tết thì ông Táo lại có mặt ở hạ giới để tiếp tục công việc.
3. Các phong tục ngày 23 tháng Chạp
- Vào ngày Tết ông Táo, người ta thường chuẩn bị mâm cỗ mặn, bánh kẹo, trầu cau, rượu; hương, đèn nến, lọ hoa tươi, đĩa hoa quả tươi; ba bộ mũ áo, hia hài Táo Quân cùng tiền vàng; ba con cá chép sống. Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa, lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối... để cá chở ông Táo lên chầu Trời.
Cá chép chính là phương tiện đưa các vị Táo Quân về trời nên vào ngày 23 tháng Chạp, người dân thường chuẩn bị một đôi hoặc ba con cá chép sống, thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác. Sau khi cúng xong sẽ đem thả ở sông, ao, hồ, nghĩa là “phóng sinh” để đưa ông Táo về trời. Phóng sinh cá chép ngày Tết ông Công ông Táo không chỉ là một nét đẹp văn hóa, đồng thời còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam.
Viết bình luận