Tết Trung thu - Nguồn gốc, ý nghĩa & phong tục cần biết

Tết trung thu

1. Tết Trung thu - Tết Đoàn viên

Tết Trung thu, được tổ chức vào giữa mùa thu, theo Âm lịch là ngày Rằm tháng Tám, là ngày Tết của trẻ em (Tết Thiếu nhi), còn được gọi là Tết Trông Trăng hay Tết Đoàn viên, là lễ hội tại các quốc gia Đông Á như Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên...

2. Nguồn gốc tết Trung thu

Có nhiều ý kiến khác nhau về nguồn gốc của Tết Trung thu, nhiều người cho rằng có Tết Trung thu là do sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, theo tích truyện về Đường Minh Hoàng.

Nguồn gốc tết Trung thu

Chuyện kể rằng, vào đêm Rằm tháng Tám Âm lịch, gió mát trăng thanh, vua Đường Minh Hoàng (713-741 Tây lịch) dạo chơi vườn Ngự Uyển. Nhà vua đang say mê thưởng thức cảnh đẹp thì được đạo sĩ La Công Viễn (còn gọi là Diệp Pháp Thiện) dùng phép tiên đưa nhà vua lên cung trăng. Ở đó, cảnh trí vô cùng ngoạn mục, tiếng đàn tiếng hát du dương, ánh sáng huyền diệu, các nàng tiên tha thướt trong những xiêm y đủ màu đang múa hát. Nhà vua say mê đến mức quên cả trời gần sáng. Đạo sĩ phải nhắc, nhà vua mới ra về nhưng trong lòng vẫn bồi hồi luyến tiếc, về tới hoàng cung, nhà vua đã cho chế ra Khúc Nghê Thường Vũ Y và cứ đến đêm Rằm tháng Tám lại ra lệnh cho nhân dân tổ chức rước đèn và bày tiệc ăn mừng trong khi nhà vua cùng với Dương Quý Phi uống rượu dưới trăng ngắm cung nữ múa hát để kỷ niệm lần đi chơi trên cung nguyệt. Kể từ đó, việc tổ chức rước đèn và bày tiệc trong ngày Rằm tháng Tám đã trở thành phong tục trong dân gian.

Lại có tích cho rằng Rằm tháng Tám chính là sinh nhật của vua Đường Minh Hoàng. Triều đình ra lệnh cho nhân dân khắp nơi treo đèn và bày tiệc ăn mừng. Từ đó, việc treo đèn bày cỗ trong ngày Rằm tháng Tám trở thành tục lệ.

Riêng người Việt lại có truyện cổ tích kể về chú Cuội và Hằng Nga. Tương truyền, Hằng Nga là một tiên nữ xinh đẹp cai quản cung trăng. Nàng có sở thích chơi đùa với trẻ con vì thế nàng rất muốn xuống trần gian để vui chơi, tuy nhiên nàng là tiên, phải theo luật thiên đình nên không được tự do đi lại.

Thế rồi, có đợt Ngọc Hoàng tổ chức cuộc thi làm bánh vào ngày Rằm tháng Tám - là ngày mà trăng tròn và sáng nhất trong năm. Giải thưởng mà Ngọc Hoàng đưa ra là ai thắng cuộc sẽ được thực hiện bất kì điều gì theo mong muốn.

Hằng Nga bắt tay vào việc làm bánh bằng cách xuống trần gian tham khảo và rồi nàng gặp được chàng Cuội - người nổi tiếng là hay nói dối, chuyên tụ tập với bọn trẻ nhỏ dưới gốc cây đa đầu làng kể chuyện trên trời dưới bể.

Thế nhưng, Cuội lại có tài nấu nướng rất giỏi, bọn trẻ trong làng thường được Cuội nấu nướng hay làm bánh cho ăn vì thế bọn chúng rất quý Cuội. Hằng Nga tìm đến Cuội nhờ vả. Thế rồi, Cuội bảo cứ cho tất cả các nguyên liệu như trứng, hạt dưa, thịt, mè, hạt sen, lạp xưởng... nhào trộn lên rồi đem nướng. Kỳ lạ thay, chiếc bánh nướng lên lại thơm phức, ngon miệng đến lạ lùng, khiến bọn trẻ đều thích thú nhưng phải cái hình thức không đẹp lắm. Hằng Nga thích thú và quyết định mang số bánh đó về cung đình dự thi.

Khi chia tay mọi người để về thiên đình thì Cuội nuối tiếc Hằng Nga không muốn rời xa nên đã nắm tay nàng. Chẳng hiểu vì sao, Cuội cùng cây đa đầu làng bay lên cung trăng theo Hằng Nga. Lên cung trăng rồi, chàng có thể nhìn thấy bọn trẻ đang vui đùa dưới trần gian. Cuội nhớ nhà, nhớ bọn trẻ nhưng chẳng có cách nào để trở xuống.

Hằng Nga đem bánh đi dự thi và đoạt giải nhất, Ngọc Hoàng thích thú và đặt bánh với tên gọi là “bánh Trung thu” và nàng được ngài ban cho một điều ước. Nàng ước rằng mỗi năm đến dịp ngày Rằm tháng Tám sẽ được cùng Cuội xuống trần gian để ban phát niềm vui và vui chơi cùng các em nhỏ. Điều ước được chấp thuận và Ngọc Hoàng đặt tên cho ngày Rằm tháng Tám là “Tết Trung thu” - dịp tết vui chơi của các em nhỏ.

Và từ đó, cứ đến Tết Trung thu là chị Hằng và chú Cuội lại xuống trần gian để chơi với các em nhỏ. Và món bánh khi ấy trở thành món bánh đặc trưng cho ngày Tết này.

3. Ý nghĩa Tết Trung thu

- Trẻ em là tương lai của đất nước, của gia đình, các em cần được yêu thương chăm sóc, vì vậy Tết Trung thu cũng là dịp để người lớn bày tỏ sự quan tâm săn sóc quý mến đối với trẻ em.

Ý nghĩa Tết Trung thu

- Trung thu còn là dịp để mọi người tỏ lòng biết ơn ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng, và các ân nhân khác.

- Các thành viên trong gia đình, vào ngày này, dù đi đâu, làm gì, ở đâu cũng cố gắng về nhà ăn bữa cơm sum họp, vì vậy nên Tết Trung thu cũng gọi là Tết Đoàn viên.

4. Các hoạt động thường thấy trong ngày Tết Trung thu

- Nhân dịp Tết này, người lớn thì uống rượu, thưởng trăng, và hát trống quân. Ngày xưa trai gái dùng điệu hát trống quân để hát trong những đêm trăng rằm, nhất là vào Rằm tháng Tám. Trai gái hát đối đáp với nhau vừa để vui chơi vừa để kén chọn bạn trăm năm. Người ta dùng những bài thơ làm theo thể thơ lục bát hay lục bát biến thể để hát.

- Theo phong tục người Việt, bố mẹ bày cỗ cho các con để mừng Trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn. Ngay từ chiều 15 tháng Tám Âm lịch. Nhà nào cũng kê một chiếc bàn hay một án thư ra ngoài hàng hiên để bày biện, cỗ mừng Trung thu gồm bánh Trung thu, kẹo, mía, bưởi, và các thứ hoa quả khác nữa.

- Cũng trong dịp này người ta mua bánh Trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng, và các ân nhân khác. Những loại bánh dẻo, bánh nướng khác nhau cũng được ưa chuộng trong những ngày này.

- Nhiều nơi tổ chức múa Sư Tử hay múa Lân trong dịp Tết Trung thu. Những đội múa Lân thường tập luyện trước cả tháng và đi vào từng nhà. Gia chủ cũng thích thú vì con Lân tượng trưng cho điềm lành, họ thường treo tiền thưởng lên cao để những chú Lân vừa múa vừa trèo lên lấy.

Các hoạt động thường thấy trong ngày Tết Trung thu

5. Đồng dao Rằm tháng Tám

Ông giẳng ông giăng

Xuống chơi với tôi

Có bầu có bạn

Có ván cơm xôi

Có nồi cơm nếp

Có tệp bánh chưng

Có lưng hũ rượu

Có chiếu bám dù

Thằng cu xí xoài

Bắt trai bỏ giỏ

Cái đỏ ẵm em

Đi xem đánh cá

Có rá vo gạo

Có gáo múc nước

Có lược chải đầu

Có trâu cày ruộng

Có muống thả ao

Ông sao trên trời

Viết bình luận