Thờ cúng tổ tiên - Tín ngưỡng đặc sắc của người Việt
1. Thế nào là tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên?
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, phong tục thờ cúng tổ tiên hay còn gọi được gọi khái quát là Đạo Ông Bà là tục lệ thờ cúng những người đã chết, đặc biệt là tổ tiên, của nhiều dân tộc Đông Nam Á và đặc biệt phát triển trong văn hóa Việt và văn hóa Trung Hoa. Đối với người Việt đó gần như trở thành một thứ tôn giáo; không gia đình nào không có bàn thờ tổ tiên.
Trong tục thờ cúng tổ tiên, người Việt coi trọng việc cúng giỗ vào ngày mất (còn gọi là “kỵ nhật") thường được tính theo âm lịch (hay còn gọi là “ngày ta"). Họ tin rằng đó là ngày con người đi vào cõi vĩnh hằng. Không chỉ ngày giỗ, việc cúng tổ tiên còn được thực hiện đều đặn vào các ngày mùng một (ngày sóc), ngày rằm (ngày vọng), và các dịp lễ Tết. Khi trong nhà có việc quan trọng như dựng vợ gả chồng, sinh con, làm nhà, đi xa, thi cử..., người Việt cũng dâng hương, làm lễ cúng tổ tiên để báo cáo và để cầu tổ tiên phù hộ, hay để tạ ơn khi công việc thành công. Bản chất việc thờ cúng tổ tiên của người Việt là từ niềm tin người sống cũng như người chết đều có sự liên hệ mật thiết và hỗ trợ nhau.
2. Nguồn gốc của đạo thờ cúng Tổ tiên
Sự thờ cúng tổ tiên xuất phát từ một tin tưởng người ta có phần thể xác và tinh thần. Phần tinh thần còn lại sau khi phần xác chết đi, thác là thể phách còn là tinh anh. Sự tin tưởng vào linh hồn bất diệt và sống trong thế giới u minh, hay là cõi âm là một tin tưởng có nguồn gốc sâu xa và rất phổ quát trong hầu hết các dân tộc tiền sử.
Người tiền sử đối xử với người chết như khi họ còn sống và tin rằng linh hồn họ luôn luôn quanh quẩn cạnh người nhà để giúp đỡ và che chở cho những người ruột thịt. Những linh hồn ấy sống trong cõi âm nhưng vẫn quanh quẩn ở dương thế dù với mắt người không nhìn thấy được. Tục thờ linh hồn người chết này có rất sớm và tạo nên bản sắc tín ngưỡng truyền thống của Việt Nam. Qua nhiều thời gian, tục này có thay đổi nhưng trên cơ sở tin tưởng vào sự không hủ nát của linh hồn tổ tiên thì vẫn không thay đổi.
Có thể nói rằng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng bản địa của dân tộc Việt Nam có cùng với cư dân ở khắp nơi, không những từ miền Nam sông Dương tử xuống đến các hải đảo xa xôi ở Đông Nam Á. Khi bị văn hóa Hán, tiêu biểu là Nho, Lão, Phật xâm lấn, bao trùm thì tín ngưỡng này không mất, nhưng lại biến đổi lớp vỏ ngoài và đã làm cho văn hóa Hán phải thích ứng theo tín ngưỡng cổ. Còn những dân tộc ở quá xa xôi trong rừng sâu, không có điều kiện tiếp xúc với các nền văn hóa khác thì vẫn còn giữ tục thờ linh hồn nguyên thủy với những nghi thức chôn cất thờ cúng cổ xưa.
Từ căn bản, quan niệm duy lý của Nho giáo về siêu hình là công nhận có linh hồn, có quỷ thần, nhưng không đặt nặng trọng tâm suy tư vào đó; kính quỷ thần mà xa ra. Thế mà chuyển sang sinh hoạt thì lại thờ người chết như đối với người sống (sự tử như sự sinh) tức là coi người chết như vẫn còn hiện diện trước mặt với đầy đủ ý thức tâm tình của người sống và nhất là có khả năng làm được nhiều điều mà người sống bị hạn chế. Biến thái cao nhất của tục thờ cúng tổ tiên là những người đại biểu cho Nho Giáo, hay dùng Nho Giáo làm căn bản xây dựng hệ thống quyền lực cai trị, đã chủ trương việc tôn vinh những người có công có đức lúc sống bằng việc ban tên thụy, tế lễ long trọng trong dịp tang ma, ban tiền bạc, ruộng tế để con cháu thờ phụng. Không thể nói đó là thủ đoạn chính trị để mua sự trung thành của bể tôi, mà phải nghĩ rằng chính triều đình cũng chia sẻ một đức tin vong hồn của những bề tôi vẫn luôn luôn ở cạnh để vẫn giúp vua như lúc sinh tiền.
Nói đến đạo Nho thì phải nói đến chữ Hiếu. Con thờ cha mẹ không những lúc đang sống, mà ngay khi một vị quan dù lớn trong triều đình mà gặp tang cha mẹ, cũng phải xin nghỉ để cư tang, có khi còn làm túp lều bên cạnh mộ để gần gũi vong hồn mới mất của cha mẹ. Ngày nay chúng ta coi là cổ hủ vì chỉ nhìn ở hiện tượng; nhưng thực ra đó cũng xem rất giống như đầu mối của tục thờ ma của một số bộ tộc còn sinh sống gần đây trên các vùng thượng du hay cao nguyên, là khi người thân chết, họ đặt vào áo quan làm bằng một thân cây đục rỗng, dựng ở góc nhà, như thế để sớm hôm ra vào vẫn như còn gần gũi như lúc còn sống. Một thời gian lâu sau mới đem chôn.
Quan niệm người chết đi sang một thế giới khác vẫn sinh hoạt tuy có thể thay đổi vị thế, như khi còn sinh tiền nên thân nhân phải lo cho người chết đầy đủ để cuộc sống ở thế giới mới không gặp khó khăn, thiếu thốn. Việc tùy táng do đấy có tính chất phổ quát không chỉ ở dân tộc Việt Nam, mà còn có ở nhiều dân tộc khác trên thế giới từ rất lâu đời vẫn còn tồn tại đến ngày nay, dù đã có vài thay đổi về chi tiết.
Khi đã phát triển thành một xã hội nông nghiệp định cư trên một địa bàn rộng lớn, thì việc thờ cúng gia tiên cũng tiến hành song song với sự thành hình rộng rãi gia tộc. Lúc ấy bắt đầu nảy sinh quyền hạn và bổn phận riêng của gia tộc cũng như cộng đồng. Những sinh hoạt tâm linh cũng thay đổi theo chiều hướng cái nào thích hợp với xã hội mới thì được chuyển hóa; cái nào không hợp thời sẽ bị đào thải. Tục thờ cúng gia tiên là một chuyển hóa quan trọng từ tín ngưỡng thờ linh hồn, và nó trở thành căn bản cho tổ chức gia đình, lớn hơn là họ hàng đối với xã hội đã định cư.
Tục thờ cúng tổ tiên tuy có nguồn gốc từ tín ngưỡng Cổ sơ nhất của loài người, nhưng qua thời gian và địa phương lại có những thay đổi về nghi thức và phạm vi, nó biểu lộ rõ ràng sự tiến bộ trong tổ chức xã hội nông nghiệp.
Thông thường việc thờ cúng tổ tiên của chung một họ diễn ra ở nhà thờ tổ và được giao cho một người gọi là thừa tự trông nom săn sóc bàn thờ, đèn hương cúng vái ngày thường và tổ chức ngày giỗ để con cháu tụ họp đông đủ lễ tổ tiên, sau đó thừa huệ cỗ bàn. Ta gọi là trước cúng sau ăn. Giỗ to nhỏ tùy theo ngôi vị trong gia tộc. Gẩn như người ta không quên một phần tử nào trong gia tộc đã thất lộc. Ngay những người chết trẻ thường được coi là linh thiêng nôn thờ gọi là bà cô hay ông mảnh.
Từ tín ngưỡng thờ linh hồn sơ khai đã biến ra một thứ phải gọi là Đạo thờ cúng tổ tiên với đầy đủ đức tin và nghi thức đã làm nên sức mạnh tinh thần cho những thành phần trong gia tộc mà xét về nhiều mặt tích cực cũng như tiêu cực phải gọi là yếu tố căn bản của văn hóa Việt Nam.
3. Ý nghĩa của tục thờ cúng Tổ tiên
Thờ cúng tổ tiên là một bổn phận và nhiệm vụ trọng đại đặc thù của người Việt Nam. Trong quảng đại quần chúng xưa và nay, người ta thường nói “đạo thờ ông bà” là tín ngưỡng sâu sắc, nhưng không là một tôn giáo, “đạo” nói ở đây phải hiểu là đường lối.
Thờ cúng tổ tiên là một trách nhiệm có tính cách luân lý, sự phát lộ tình cảm và lòng tin huyết thống được thể hiện trong môi trường gia tộc, không có tính cách thần thánh hóa, nhất là không có tu sở như là chùa hay nhà thờ và cũng không cần có người giảng thuyết làm gạch nối liền giữa đạo và đời. Thờ cúng tổ tiên xuất phát từ tâm thành của người sống, thế hệ sau đối với người chết, thế hệ trước. Thờ thì phải có lễ và cúng bái, hành động biểu tỏ lòng tôn kính và nhớ thương. Dân tộc Việt Nam chủ trương Thờ cúng tổ tiên là vì đã từ lâu hiểu rằng "cây có cội, nước có nguồn”, ai ai cũng tưởng nhớ đến nguồn gốc sinh thành ra minh.
Tổ tiên sinh ra ông bà, ông bà sinh ra cha mạ, cha mẹ sinh ra mình. Người con hiếu thảo phải biết ơn nghĩa sinh thành của bố mẹ, và đã hiếu với cha mẹ phải hiếu với ông bà tổ tiên tức là nguồn gốc của minh. Lúc ông bà, cha mẹ còn sống, con cháu phải phụng dưỡng, phải tuân theo các lời dạy bảo của các người, cũng như thờ các tổ tiên về trước.
Thờ cúng tổ tiên nghĩa là lập bàn thờ tại nhà và cúng bái trong những ngày sóc vọng giỗ Tết. Người Việt Nam thường ngoài tôn giáo của mình đều có thờ phụng tổ tiên, kể cả những người theo Thiên Chúa giáo. Thực ra thờ phụng tổ tiên không phải là một tôn giáo, do đó không thể gọi là đạo ông bà được. Là một đạo phải có giáo chủ, giáo điều và việc hành đạo phải qua trung gian tu sĩ. Thờ phụng tổ tiên do lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với cha mẹ, ông bà cụ kỵ đã khuất.
Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu, thì con người phải có tổ tiên mới có thể có minh được. Bỏ tổ tiên không thờ phụng tức là quên nguồn gốc, huống chi ông bà đã là những người sinh dưỡng cha mẹ và cha mẹ đã là những người sinh dưỡng minh. Những người theo Thiên Chúa giáo, tuy không lập bàn thờ tổ tiên, nhưng không phải là không thờ phụng tổ tiên. Những ngày giỗ chạp họ vẫn làm cỗ và cầu nguyện cho người đã khuất và việc không có bàn thờ tổ tiên là việc chuyển đổi bàn thờ tổ tiên đến bàn thờ Chúa, vậy nghĩa là vẫn có sự thờ phụng tổ tiên thông qua bàn thờ của Chúa.
Qua việc thờ phụng tổ tiên tại Việt Nam, người khuất và người sống luôn luôn có một sự liên hệ mật thiết. Sự thờ cúng chính là sự gặp gỡ của thế giới hữu hình và vũ trụ linh thiêng. Đối với người Việt Nam, chết không có nghĩa là chết hẳn, thể xác tuy chết nhưng linh hồn vẫn còn và vẫn còn lui tới với gia đình. Thể xác thì tiêu tan, nhưng linh hồn thì bất diệt.
Dân gian luôn tin rằng, trần sao âm vậy, người sống cẩn gì, sống làm sao thì người chết cũng như vậy và cũng có một cuộc “sống” ở cõi âm như ở trên dương thế. Nói cách khác đi, người chết cũng cần ăn uống tiêu pha, có nhà ở như người sống. Tin như vậy, việc cúng lễ là cần thiết, và việc thờ phụng tổ tiên không thể không có được, cổ tục lại có tin rằng vong hồn của những người đã khuất thường luôn ngự bên bàn thờ để được gắn con cháu, theo dõi con cháu trong công việc hằng ngày và giúp đỡ con cháu trong những trường hợp cần thiết.
4. Những dịp cúng lễ gia tiên
Trong gia đình, khi có những biến cố vui, buồn... người ta đều cúng gia tiên.
Ví như:
- Ngày sinh con,
- Ngày con đầy cữ, ngày con đầy tháng,
- Con cái bắt đầu đi học,
- Con cái đi thi cử,
- Ngày dựng vợ, gả chồng cho con cái,
- Lập được công danh,
- Xây dựng nhà mới,...
- Nhà có người ốm đau, bệnh tật,
- Nhà có người chết, lúc bắt đầu đưa tang,
- Nhà có người đi xa,...
Theo Phan Kế Bính, mỗi tuần tiết hoặc ngày kỵ, đều làm lễ cáo gia tiên, hoặc mùa có của mới, gạo mới, hoặc khi có việc hiếu, hỉ.
Việc cúng vái gia tiên bao giờ cũng do gia trưởng làm (trừ khi gia trưởng có công việc phải đi xa nhà, thì người quan trọng thứ hai trong gia đình thực hiện).
Viết bình luận