Bàn thờ trong tập tục thờ cúng của người Việt

Cách bài trí bàn thờ trong nhà

1. Cách bài trí bàn thờ trong nhà

Thông thường trong nhà người Việt có các bàn thờ: Bàn thờ Phật, bàn thờ Thần linh và gia tiên, bàn thờ ông Địa - Thần Tài, bàn thiêng ngoài trời thờ 9 phương Trời, 10 phương Phật, ngoài ra tùy gia chủ có thêm các bàn thờ Mẫu, ông Hoàng, bà Chúa, các cô, các cậu hay thờ Ngũ ông... Dưới đặc điểm riêng của một số bàn thờ.

Bàn thờ Phật

Thường được đặt cao nhất trong phòng thờ của gia đình, trên bàn thờ có ảnh của vị Phật mà mình muốn thờ (người thường chỉ thờ ảnh Phật, các thầy hay Sư mới thờ tượng). Chính giữa có bát hương hay lư trầm. Bên cạnh có bình hoa và đĩa hoa quả 3 chén nước, cặp đèn cầy hay đèn điện. Tuyệt đối không được đặt đồ lễ mặn và giấy tiền vàng bạc trên bàn thờ Phật. Khi cúng Phật phải dùng đổ chay.

Bàn thờ thần linh

Thường được đặt chung với bàn thờ gia tiên. Bát hương thờ thần linh đặt chính giữa và cao hơn hai bát hương còn lại. Đằng sau bát hương có bài vị thờ thần. Thường chỉ có một chữ Thần hay chữ Thần Tiên Linh ứng. Thần linh ở dây bao gồm: Quan đương Niên hành Khiển hằng năm, Thành Tào Phán Quan, Ngũ phương Ngũ Thổ Long Thần, Tiền hậu Địa chủ Tài Thần, Thần hoàng bản xứ, Thần hoàng bản cảnh, Ngài bản xứ Thần linh Thổ địa, Ngài định Phúc Táo quân, Ngài Phúc Đức Chính Thần, Các Ngài Ngũ Phương, Ngũ Thổ, Long mạch tài Thần, Ngài Bản Gia Táo Quân, Các Ngài Địa Chúa Long mạch Tôn Thần và tất cả các Thần linh cai quản trong khu vực...

Trước bát hương người ta thường để 3 chén nước trên cùng một cái khay bằng sứ dài. Về cuối năm hay đầu năm, người ta thường cúng một bộ đồ quan Thần linh bao gồm mũ, áo, ủng, ngựa theo Ngũ hành (vàng, trắng, đen, xanh, đỏ) và 1000 vàng hoa theo màu bộ quan Thần linh. Thờ Thần có thể cúng mặn như xôi, gà...

Bát hương thờ Cửu Huyền Thất Tổ

Cửu Huyền Thất Tổ ở đây là nói tắt. Đúng ra là Cửu Huyền Thất Tổ nội ngoại tôn thân - Tức là tứ thân phụ mẫu nhiều đời nhiều kiếp của cả bên nội và bên ngoại. Không nên chia ra làm bàn thờ bên nội và bàn thờ bên ngoại. Bát hương này thờ tất cả các đời của 4 dòng họ nội ngoại chứ không hẳn chỉ có 9 đời như người ta thường hiểu sai. Thậm chí có nhiều bát hương linh thiêng có thể nối nhịp cầu với vài chục đời, thậm chí hàng trăm đời trước. Bát hương cửu Huyền Thất Tổ nội ngoại tôn thân được đặt ở phía tay phải người đứng lề, hay tay trái từ trong bàn thờ nhìn ra. Phía sau thưởng đặt bài vị hay ảnh thờ. Phía trước cũng có 3 chén nước trên cùng một cái khay bằng sứ dài. Bên cạnh người ta đặt một bình hoa tùy ý, thường là hoa có màu sắc vàng, đỏ...

Bát hương Bà Cô - Ông Mãnh Tổ

Bát hương Bà Cô - Ông Mãnh Tổ dùng để thờ những người chết trẻ, chưa vợ, chưa chồng nhiều đời nhiều kiếp của cả bên nội và bên ngoại. Thông thường trong số đó thường có một vài Bà Cô Tổ hay ông Mãnh Tổ của một vài đời rất linh thiêng, thường theo phù hộ cho con cháu. Bát hương của Bà Cô - Ông Mãnh Tổ được đặt ở phía bên tay trái người cúng hay bên tay phải từ trong bàn thờ nhìn ra. Phía trước cũng có 3 chén nước trên cùng một cái khay bằng sứ dài. Bên cạnh người ta đặt một bình bông nhưng ở dây bắt buộc là bông có màu trắng, tượng trưng cho sự tinh khiết của họ vì họ chưa có lập gia đình.

2. Những điều cần lưu ý về bàn thờ gia tiên

Những điều cần lưu ý về bàn thờ gia tiên

Thờ cúng nói chung và thờ cúng tổ tiên là một nét đẹp trong đạo lý uống nước nhớ nguồn, chim có tổ người có tông của đồng bào Việt Nam. Bất kề là người Kinh, người Tày người Mông, Dao thì tùy theo những cách thức khác nhau nhưng trung tâm của ngôi nhà, nơi quan trọng nhất chính là bàn thờ và đểu có đặt bàn thờ. Nó không chỉ thể hiện sự tưởng nhớ, biết ơn tới người đã mất mà còn là nơi gửi gắm những ước nguyện của người đang sống và giáo dục truyền thống cho con cháu. Một gia đình làm ăn phát đạt thì bao giờ bàn thờ của gia đình ấy cũng khang trang và lộng lẫy, không chỉ bởi phú quý sinh lễ nghĩa mà còn quan trọng hơn là vì: sống vì mồ vì mả không ai sống vì cả bát cơm.

Một câu hỏi đặt ra là bàn thờ và cách thờ như nào cho đúng? Cần có bao nhiêu bát hương, những bát hương này nên như thế nào... Dưới đây chia sẻ để bạn đọc cùng tham khảo.

Theo như bản dịch Thông thư gia bảo của chi họ Nguyễn Chính Tộc - Hương thôn Trà Khê - Phủ Xuân Trường - tỉnh Nam Định nay là huyện Xuân Trường - Tỉnh Nam Định có hướng dẫn chi tiết về việc thờ cúng như sau:

Vị trí đặt bàn thờ

Tùy theo vị trí ngôi nhà mà bạn có thể đặt bàn thờ theo những cách khác nhau và hướng khác nhau nhưng có nguyên tắc chung là: “Tả cầu tài - hữu bản mệnh" tức là đặt bên trái để cầu tài và bên phải thờ bản mệnh, hiểu rộng ra là dối với các tín chủ thờ đức Thần Tài thì nên đặt bàn thờ bên trái tính theo hướng của ngôi nhà chứ không phải tính từ cửa đi vào. Cũng từ quan điểm này thì bàn thờ gia tiên không nhất thiết phải quay theo hướng nhà mà gia chủ có thể tự đặt hoặc nhờ thầy đặt.

Đàn thờ tối kị những điều sau:

+ Lộ thiên cơ tức là phía trên, phía sau bàn thờ có cửa sổ hoặc cửa chính đi hoặc trên nóc bàn thờ có giếng trời hút gió.

+ Tránh các vật nặng nề như đầu xà nhà hay các vật sắc nhọn như: góc tủ, góc cánh cửa chọc thẳng vào mặt bàn thờ hoặc đầu hồi của nhà hàng xóm. Nếu trường hợp đã bị thì sẽ có cách sửa lại cho phù hợp (sẽ có bài hướng dẫn chi tiết cách làm sau).

+ Gần những nơi ô uế như buồng tắm, nhà vệ sinh, giường ngủ vợ chồng trẻ...

+ Tầng dưới đặt bàn thờ, tầng trên đặt bếp hoặc phòng ngủ hay nhà vệ sinh.

Bàn thờ không thể đặt tùy tiện mà phải tùy vào gia chủ định chọn chữ gì để đặt cho bàn thờ nhà mình, điều này gia chủ nên nhờ thầy tư vấn.

Kích thước bàn thờ

Đối với những ngôi nhà lớn bàn thờ thường xây rồi lát bằng gạch hoặc ốp đá nhưng bàn thờ cổ và đúng thường được đóng bằng gỗ sạch nguyên tấm - tránh ghép 2 mảnh làm một vì đây là điều tối kỵ. Gỗ bàn thờ thường làm bằng gỗ mít hoặc vàng tâm... Nếu mua sẵn khán thờ thì cũng nên nhờ thầy chọn kích thước cho chuẩn. Chuẩn là phải theo thước Lỗ Ban.

Trên thước Lỗ Ban có các kích thước rộng hẹp khác nhau tương ứng với những cung chữ trên đó như: sinh khí, diên niên hay họa hại, ngũ quỷ, lục sát...

Đồ vật trên bàn thờ

- Bát hương: Quan trọng nhất của bàn thờ là bát hương. Nó được ví như ngôi nhà để các cụ trong gia đình đi vể vậy. Bát hương trên bàn thờ có nhiều cách đặt và thờ khác nhau, nhưng theo Thông thư gia bảo của chi phái họ Nguyễn Chính Tộc hương thôn Trà Khê thì bát hương trên bàn thờ thường ứng với các số lẻ: 3 - 7 - 12 vì người sống trải qua: Sinh - Lão - Bệnh - Tử sau khi mất đi thì ứng với: Quỷ - Khốc - Linh - Thính tức là: mất đi hồn lìa khỏi xác thành Quỷ, chết giờ tốt không bì hung thẩn, chết giờ xấu bị hung thần giữ xác, sau khi chết đi nhờ tiếng Khóc (Khốc) sự thờ cúng của con cháu mà thành Linh thiêng (Linh) và hết tuần 49 rồi hết 100 ngày vong sạch sẽ được đưa vào chùa tụng kinh, nghe kinh mà cứu rỗi siêu thoát nên Thính. Bát hương cũng ứng với chữ như thế.

Bát hương: Nên mua bát hương bằng gốm Bát tràng, đẹp, bền. Tối kỵ dùng bát hương màu vàng thờ gia tiên vì màu vàng là màu hoàng đế chỉ dành thờ quan, thần hoặc các vị thời trước có tước vị trong hoàng tộc.

Trong bát hương nên dùng tro sạch đốt từ rơm rạ thơm phủ dầy lòng bát hương. Quan trọng nhất trong bát hương là Cốt bát hương - nó gồm 01 túi giấy nhỏ có ghi tên tuổi, năm mất, nơi mất và những câu thần chú + chỉ ngũ sắc do thầy phù thủy thụ lý vào - như sổ đỏ của người trần giới vậy.

- Cây vàng khối: Là vàng mã có đủ 5 màu dành cho bàn thờ gia tiên nên dùng màu xanh, đỏ, mua về bọc băng dính lại cẩn và cây đặt bên trái bát hương (tính theo hướng bàn thờ) phải cao hơn cây bên phải vì: Tả Thanh Long - Hữu bạch Hổ, lại có câu ca rằng: “Thà cho Long cao ngàn trượng chứ không để hổ ngẩng cao đầu".

- Lọ lộc bình: Thường thờ 1 lọ để cắm hoa vào ngày mùng 1 và ngày rằm ngày thường để không, nên xưa gọi là Độc bình. Nay người hiện đại mua 2 lọ thờ đối xứng là không đúng, 2 lọ mua chỉ để chơi trong nhà không được đặt lên bàn thờ. Lọ độc bình thường đặt bên tay trái - hướng đông - theo quan niệm: Đông bình Tây quả.

- Giá nến: Thường bằng đồng hoặc gỗ, tốt nhất là bằng đồng.

- Khay cốc đựng nước thờ: Nước thanh tịnh được thay vào mỗi lần thắp hương.

- Lọ đựng hương: Đặt bên phải bàn thờ, chọn loại làm bằng gốm...

Tùy theo kinh tế của gia chủ có những vật thờ khác nhau nhưng nhất thiết trên bàn thờ phải đảm bảo 5 yếu tố: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ.

+ Kim: Là giá nến

+ Mộc: Là bàn thờ, ngai hoặc giá nến, bài vị

+ Thủy: Là bình, chai nước, chén nước thờ.

+ Hỏa: Là ngọn đèn dầu hoặc nến thờ trên bàn thờ và là hương khi thắp lên.

+ Thổ: Là bát hương làm từ đất sét nung lên.

Bàn thờ gia tiên hay bất kì bàn thờ nào cũng vậy tùy những điều kiện và thời kỳ khác nhau thì giá trị vật chất của những vật thờ khác nhau nhưng một bàn thờ đúng luôn phải tuân thủ những quy định trên.

3. Bàn thờ gia tiên được bài trí như nào?

Bàn thờ kê làm hai lớp:

- Lớp trong:

Lớp trong kê sát ngay vào tường hậu và gồm:

Chiếc rương thật lớn, cao khoảng 1m đến 1,2m, dài trên 2 thước và rộng gần 2 thước.

Mặt trước chiếc rương có đóng nẹp chia làm ba ô, ở các ô này, có khi là ba chữ đại tự, có khi là những bức tranh được dán vào trong những dịp Tết. Trên những nẹp có đóng những đồng tiền đồng hoặc tiền kẽm tùy theo từng nhà.

Trong chiếc rương cất đựng những bát đĩa, nồi đồng, xanh đồng lớn, hằng ngày không dùng đến, chỉ những khi giỗ Tết mới lấy ra.

Tại những gia đinh sung túc, chiếc rương lớn này được thay thế bằng chiếc bàn to, đúng ra một chiếc sập sơn son thiếp vàng, kê trên mễ (đôi niễng) cao khoảng 1m hoặc 1,2m. Phía trước thường có một tấm màn bằng vải đỏ che giấu những mâm thau đổ đổng cùng bát đĩa, được xếp dưới gầm sập, thay vì để trong rương.

Ít nhất hai chiếc mâm nhỏ chân quỳ mặt hình chữ nhật: Một chiếc bề dài độ 8 tấc, bể rộng độ 6 tấc kê ở giữa chiếc sập nói trên. Chiếc mâm thứ hai nhỏ hơn, kê đằng sau chiếc thứ nhất. Hai chiếc mâm này cao chừng 4 tấc, giống như hai chiếc bàn nhỏ thấp, dùng để bày đồ lễ trong những ngày sóc, vọng, giỗ Tết. Trong những ngày giỗ Tết có làm cỗ thì cỗ bàn bày trên chiếc mâm thứ nhất, còn hương hoa, trầu nước bày ở chiếc mâm thứ hai nhỏ hơn.

Bên trong cùng lớp thứ nhất là Thần chủ đựng trong khảm kê trên một chiếc bệ, chiếc bệ này cao ngang mặt hai chiếc mâm.

Có nhiều gia đình không thờ Thần chủ mà chỉ kê ở nơi đây một chiếc ỷ hoặc một chiếc ngai, tượng trưng ngôi vị của Tổ tiên.

Tại những gia đình sung túc, những đồ thờ này thường được sơn son thiếp vàng rất lộng lẫy.

Riêng về chiếc ngai, dù bằng gỗ mít hay sơn son thiếp vàng, hai tay ngai đều mang hình đầu rồng, rồng đứng đầu tứ linh và được dùng trang hoàng cho đồ tự khí.

Trên chiếc mâm nhỏ kê bên trong, ở trước thần chủ hay chiếc ngai, ta thường thấy một cái tam sơn, một đồ thờ nhỏ chia làm ba phần, phần giữa cao hơn hai phần bên, dùng để đặt đĩa trầu, chén rượu, ly nước, đĩa hoa quả trong những ngày cúng lễ.

Cũng có gia đình thay chiếc tam sơn bằng chiếc đài mà công dụng cũng như chiếc tam sơn. Một chiếc dài thường cao 5 phân và nho nhỏ để đặt vừa chiếc ly, chiếc chén hay chiếc đĩa đựng trầu nước, rượu hoa trong khi cúng.

Lớp trong được ngàn với lớp ngoài bằng chiếc y môn, tức là chiếc mâm thờ, thường màu đỏ bằng the nhiễu hay vải tùy theo gia cảnh từng gia đình.

Chiếc y môn treo từ trên cao thõng xuống, lúc buông thì che kín hết bàn thờ lớp trong, còn khi vén lên thì cũng vẫn đủ ngăn chia hai lớp của bàn thờ.

- Lớp ngoài:

Lớp ngoài của bàn thờ bắt đầu từ chiếc y môn trở ra (Y môn chỉ chiếc màn ngăn cách lớp bàn thờ bên ngoài và lớp bàn thờ bên trong. Y môn bao gồm ở phía trên một lớp ngang bằng vải lụa hoặc nhung the màu. Trên lớp ngang này thường có thêu hoặc dán mấy chữ đại tự, giống như những chữ khắc ở hoành phi. Từ lớp ngang trên thông dọc xuống hai cánh bằng vải, the, nhung hoặc lụa màu hồng hay đỏ, có khi viền và thêu chung quanh, có khi chỉ khâu trơn các mép. Hai cánh này thường ngày được vén lên, chỉ buông xuống trong ngày giỗ, lúc gia trưởng dã thắp hương cúng khấn và con cháu đã lễ bái xong.

Sở dĩ y môn buông xuống là vì trong lúc đó tổ tiên thụ hưởng đồ lễ, cần phải che màn đi để hương hồn các cụ có thể hưởng lễ một cách tự nhiên, cũng như người sống khi ăn uống không muốn kẻ đứng nhìn mồm dù là con cháu).

+ Trước tiên là một hương án cao.

+ Trên hương án này, tại chính giữa là một bình hương bằng sứ để cắm hương khi cúng lễ.

+ Đằng sau bình hương là một chiếc kỷ nhỏ, giống chiếc mâm kê ở trước Thần chủ lớp trong, chiều cao độ ba mươi phân, rộng độ hai mươi lăm phân.

Đặt trên chiếc kỷ nhỏ này là ba chiếc đài có nắp và trên nắp có núm cẩm. Khi mở nắp ra, nắp kê xuống dưới, đài đặt lên trên. Đài bằng gỗ đã được tiện rỗng dưới để khi đặt lên nắp dài, đài sẽ ăn khớp với nắp. Hoặc đài bằng đồng cũng vậy.

Ba đài này đựng ba chén rượu nhỏ lúc cúng lễ. Thường ngày đài được đậy nắp để tránh bụi bặm và chỉ mở ra trong những dịp giỗ Tết, sóc vọng, và trong những dịp này bao giờ chén cũng được rót rượu vào.

Hai bên bình hương là hai cây đèn, cao khoảng 4 tấc chân tiện và lưng chừng có vành rộng ra gọi là đĩa đèn. Hai cây đèn này chính ra chỉ là cái đế để đèn, vì không có chỗ đựng dầu để thắp.

Trong những ngày cúng giỗ xưa kia, người ta đặt lên trên hai cây đèn này hai đĩa dầu lạc dùng bấc đốt. Về sau này, hai đĩa dầu trên được thay thế bằng hai ngọn đèn hoa kỳ đốt bằng dầu hỏa. Ở đô thị, từ ngày có điện người ta mắc bóng điện thẳng vào hai cây đèn.

Gần hai bên bình hương, ngoài hai cây đèn có khi còn có hai con hạc chầu hai bên. Trên đầu hai con hạc cũng có chỗ để thắp nến. Mé ngoài hai cây đèn, gần hai đầu hương án là hai ống hương, dùng để đựng hương. Hai ống hương này chân tiện, miệng hơi loe.

Nhiều gia đình ngoài các đồ thờ trên, còn có một lọ lộc bình hoặc đôi song bình bày trên hương án, để cắm cành đào trong dịp Tết cũng như các cành hoa khác trong những ngày giỗ chạp hoặc sóc vọng.

Một số gia đình trong bộ tam sự có chiếc đỉnh đồng thường thay thế cho bình hương. Hai bên đỉnh là hai con hạc đồng trên mỏ ngậm hai bông hoa, trên đầu có chỗ cắm nến.

Tất cả những tự khí trên, gia đình càng sung túc càng sắm thứ đắt tiền quý giá. Những gia đình nghèo túng, cũng nên có được một bình hương và đôi đèn nến.

Đối với những gia đình giàu có hoặc có chức tước thường có bày thêm giá binh khí, có cắm bát bảo lộ bộ, tức là tám thứ vũ khí của quân sĩ thời xa.

Những đồ tự khí được coi là rất thiêng liêng, nghèo thiếu đến đâu cũng không ai dám đem cầm bán, người nào bất đắc dĩ phải cầm bán đồ thở đều bị dân làng chê cười.

4. Bàn thờ họ và bản chi tử đường

Bàn thờ họ

Bao nhiêu con cháu dòng dõi một họ, lập chung một bàn thờ vị Thủy tổ gọi là từ đường của họ, thí dụ nhà thờ họ Nguyễn gọi là Nguyễn tộc từ đường. Tại bàn thờ họ có bài vị của Thủy tổ họ, trên bài vị thường ghi rõ đó là vị Thủy tổ của họ nào, (như Bùi môn lịch đại tổ tôn thân thần chủ, nghĩa là Thần chủ tổ tiên họ Bùi). Bài vị xưa ghi bằng Hán tự. Thần chú này không bao giờ thay đổi nên gọi là bách thế bất diêu chi chủ. Ngày nay, người ta thường dùng chữ quốc ngữ để đề bài vị.

Có họ không có nhà thờ mà xây một đài lộ thiên, dựng bia đá, ghi tôn thụy hiệu các tổ tiên. Mỗi khi có giỗ Tổ hoặc có tế tự của một chỉ họ nào, cả họ hoặc riêng chi họ đó ra nơi đàn lộ thiên cúng tế. Nơi đàn lộ thiên này chỉ dùng để cúng tế, hoặc tổ chức những trò vui như hát chèo, múa rối... trong ngày giỗ Tổ họ, hoặc một chi họ nào.

Có nhiều họ làm nhà thờ riêng với bàn thờ Thủy tổ để cho chi trưởng nam đời đời giữ hương hỏa, và chỉ khi nào ngành trưởng không có con trai nối dõi, việc thờ cúng mới truyền sang chi thứ.

Bản chi từ đường

Nhiều họ ta chia làm nhiều chi, các chi này ngoài việc tham dự ngày giỗ Tổ toàn họ, còn có ngày giỗ Tổ riêng của chi họ, và như vậy các chi đểu có nhà thờ riêng gọi là Bản chi từ đường.

Trên bàn thờ này có bài vị của ông Tổ chi họ gọi là Thần chủ bản chi. Thần chủ này cũng như thần chủ của Thủy tổ họ sẽ để thờ đời đời.

Người trong chi họ có dành riêng những ruộng để lấy hoa lợi cúng giỗ họ, gọi là Kỵ điền. Những ruộng này có thể là hương hỏa của tổ tôn để lại, có thể là ruộng của hàng họ chung nhau tậu và có thể là của một người trong họ cúng để lấy hoa lợi chi cho việc tế tự. Có họ có những người phụ nữ đi lấy chồng, không có con, họ cúng tiền, cúng ruộng về họ mình. Chi họ nhận những ruộng ấy làm ruộng kỵ, rồi khi người kia chết sẽ được thờ tại nhà thờ họ, ngày giỗ người phụ nữ này sẽ do họ cúng, gọi là giỗ hậu họ.

Gia từ

Gia từ tức là nhà thờ riêng của từng gia đình, nơi có bàn thờ gia tiên. Những nhà giàu có thì làm riêng một ngôi nhà thờ, còn những gia đình bình thường, bàn thờ được thiết lập ngay tại nhà ở.

Cũng có những gia đình con thứ không phải cúng giỗ, nhưng vì lòng thành kính đối với tổ tiên, người ta vẫn lập bàn thờ để thờ vọng, và để cúng vọng trong những ngày giỗ, vì lý do người ta không thể tới nhà trưởng được.

5. Lựa chọn và bố trí không gian thờ cúng trong nhà phố

Lựa chọn và bố trí không gian thờ cúng trong nhà phố

Từ tâm thức đến cách thức bài trí nhà cửa, người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng luôn đặt nơi thờ cúng tại vị trí trang trọng nhất.

Trong nhà ở dân gian, bàn thờ cố định tại Trung Cung (khu vực trung tâm của nhà). Bước vào cửa chính có thể gặp bàn thờ và bộ bàn ghế tiếp khách, là một xếp đặt quen thuộc, hài hòa với cấu trúc không gian nhà ở truyền thống vốn có hàng hiên và sân vườn bao bọc chung quanh.

Còn nhà ở hiện đại với diện tích và cấu trúc không gian khác xưa, điều kiện sống và quan niệm trong sinh hoạt cũng có nhiều thay đổi, cách bố trí bàn thờ trở nên đa dạng hơn, và cũng có nhiều vấn đề cần lưu ý hơn.

Nhà phố hiện nay phổ biến cách đặt phòng thờ trên tầng thượng, vừa thoáng khí vừa có khoảng rộng sân thượng để tập trung nhiều người vào các dịp giỗ Tết, giảm các va chạm trong sinh hoạt hằng ngày.

Nhưng cũng có một số gia đình không muốn đưa bàn thờ lên tầng cao với lý do: Khó khăn cho người lớn tuổi khi chăm lo hương khói, quét dọn bàn thờ và đặt lên cao quá sẽ có cảm giác xa cách.

Thực ra mỗi ngày một vài lần đi lên phòng thờ thì cũng như tập thể dục, đồng thời nên giáo dục cho thế hệ trẻ ý thức hướng về tổ tiên, cả gia đình có thể thay phiên nhau hương khói.

Trường hợp nhà neo người, quá khó khăn hoặc nhà trệt, căn hộ chung cư... thì có thể gắn bàn thờ liền với không gian phòng khách nhưng phải có giải pháp thoát khói và chống ố vàng trên trần (như dùng tủ thờ có nóc, dùng tấm kính ngăn phía trên, bàn thờ kề cận cửa thông gió).

Đối với bàn thờ Thần Tài và ông Địa nên đặt ngay tại lối vào chính và ở dưới đất vì việc thắp hương, nhất là hương thơm, có tác dụng xua đuổi không khí ẩm ướt, côn trùng vào những buổi sáng sớm hoặc chiều tối (là khoảng thời gian chuyển tiếp Âm Dương, ánh sáng nhá nhem, vi khuẩn nhiều và độ ẩm tăng) đồng thời theo tín ngưỡng dân gian thì như vậy sẽ “nghinh tiếp Thần Tài” được trực tiếp hơn.

Bàn thờ Thiên thì hầu như là lộ thiên hoàn toàn, có thể từ đơn giản là một bệ đá, đến cầu kỳ hơn là một trang thơ có mái.

Sân thượng hoặc ban công trước là nơi phù hợp đặt bàn Thiên, cũng là một điểm thắp hương để xua đuổi âm khí, tạo thêm một nét ấm áp cho sinh hoạt trong ngôi nhà Việt.

Bàn thờ nên có độ cao tỷ lệ với người trong gia đình, tránh làm quá cao (phải leo trèo thiếu an toàn) hoặc quá thấp (dễ bị va chạm và thiếu tôn nghiêm). Trường hợp có nhiều tầng thờ thì xếp đặt theo thứ tự từ cao xuống thấp theo ngôi thứ.

Tủ thờ thường có phần dưới và bên hông là tù chứa đồ (gia phả, lịch giỏ kỵ, vàng mã hương đèn...). Nếu bệ thờ làm theo kiểu tấm đan bê tông thì cũng nên kê một tủ nhỏ hay bàn vào khoảng trống bên dưới để thuận tiện sắp xếp vật dụng vào dịp có giỗ Tết.

Phòng thờ có thể kết hợp với thư phòng, tiếp khách hay là nơi trà đàm, sinh hoạt gia đình trang trọng. Tránh bố trí chỗ ngủ hoặc nơi giải trí ồn ào chung với phòng thờ vì thiếu trang nghiêm và không phù hợp với tính chất trường khí của phòng thờ vốn thuộc Âm.

Như vậy tùy theo hoàn cảnh gia đình mà cách bài trí phòng thờ, bàn thờ có thể linh hoạt phù hợp trên tinh thần trang nghiêm, ít bị ảnh hưởng bởi các sinh hoạt khác.

Trong ngôi nhà hiện đại - nhất là căn hộ chung cư - còn cần thêm sự giản dị và mỹ thuật, tránh làm bàn thờ theo lối trang trí lòe loẹt cầu kỳ. Bài trí bàn thờ phải nghiêm trang nhưng không u tịch.

Không gian thờ cúng, không gian mang tính tâm linh trong nhà ở luôn cần đặt yếu tố gần gũi và giáo dục truyền thống lên hàng đầu để kết nối các thế hệ và giữ vững gia phong nề nếp gia đình.

6. Sắp xếp bàn thờ Thần Phật, Gia tiên thế nào để gặp nhiều may mắn?

Sắp xếp bàn thờ Thần Phật, Gia tiên thế nào để gặp nhiều may mắn

Trong quan niệm của người Việt, bàn thờ trong mỗi gia đình - nơi thờ cúng gia tiên, tưởng nhớ tổ tiên là nơi trang nghiêm, tôn kính nhất. Thế nhưng phong tục tốt đẹp từ ngàn đời này có những nguyên tắc sắp xếp, trang hoàng riêng mà không phải ai cũng biết.

Nơi thờ cúng ảnh hưởng đến gia vận?

Người xưa có câu “ẩm thủy đương tư truyền nguyên đẩu, thực mễ đang tư nông canh khổ, hữu tiền đang tư vô tiền thời, kiện khang đang tư phụ mẫu ân”, tức là “khi uống nước thì phải nhớ đầu nguồn suối, ăn cơm phải nhớ lúc cày cấy vất vả, giàu có phải nhớ lúc nghèo khổ, khỏe mạnh phải nhớ đến ân của cha mẹ".

Người ta sinh ra có được sinh mệnh, được sống đến ngày nay là nhờ vào tổ tiên. Tổ tiên giống như gốc cây đại thụ nuôi dưỡng để cành lá khỏe mạnh xanh tươi, tượng trưng cho con cháu phát triển. Vì vậy, nếu không có tổ tiên duy trì nòi giống truyền từ đời này sang đời khác thl cũng không có con cháu ngày nay. Tục thờ cúng tổ tiên chính là sự ghi nhớ công ơn và là cách để chăm chút cho cái gốc của minh, gốc có tốt thì cây mới phát triển ra hoa kết trái. Người ta thường nói, tổ tiên phù hộ độ trì cho con cháu là như vậy.

Ngoài ra, trong lịch sử tín ngưỡng người Việt, thờ cúng thần linh đã có từ lâu đời, do cuộc sống dựa chủ yếu vào tự nhiên nên người xưa lập đàn kính tế quỷ thần, mong giảm bớt thiên tai đem đến phúc lộc. Dễ dàng nhận thấy ngoài các ngôi đền lớn nhỏ ở khắp các địa phương thì ngày nay trong nhiều gia đình vẫn cố bát hương thờ thần Phật để tiêu tai nạp phúc, sự nghiệp thuận lợi, hưng vượng nhân đinh, là nơi gửi gắm niềm tin của cả gia đình.

Thần Phật được thờ trong nhà giống như người khách quý nên người ta thường đặt bàn thờ thần Phật ở sảnh giữa nhà, áp lưng vào tường vững chắc hoặc để chung với bàn thờ gia tiên. Cho dù đặt riêng hay đặt chung với bàn thờ gia tiên thì cũng đều có những nguyên tắc cần tuân thủ: Gia tiên là chủ nhân, thần minh là khách quý, có thể chấp nhận có chủ nhân nhưng không có khách, không được có khách mà không có chủ. Nếu vừa có chủ vừa có khách cùng chung một bàn thờ là lý tưởng nhất.

Nhưng cũng không phải tùy tiện thích đặt thế nào thì đặt. Vì vậy, người xưa cho rằng chỉ cần nhìn vào nơi thờ cúng của gia đình cũng có thể biết gia chủ có tâm hay không. Cái tâm ở đây không được đo bằng mâm cao cỗ đầy, vàng mã bao nhiêu mà là ở vị trí đặt bàn thờ, cách sắp xếp bàn thờ ra sao cho phù hợp, trang nghiêm và sạch sẽ.

Quan niệm phong thủy thì cho rằng bàn thờ là nơi linh khí quy tụ, là chỗ để người trên dương thế liên hệ với người đã khuất, người chết thì thành Thần, Thần lại là trung gian giữa trời với người. Từ đó có thể thấy, khí trường của bàn thờ ảnh hưởng rất lớn đến người trong nhà. Bàn thờ sắp đặt đúng cách không chỉ khiến người đã khuất an định mà ở lại chăm sóc phù hộ gia đình, nên bàn thờ cũng có những quy tắc nhất định.

7. Những điều cần chú để sắp đặt bàn thờ đảm bảo phong thủy

Những điều cần chú để sắp đặt bàn thờ đảm bảo phong thủy

- Bàn thờ nên quay ra cửa chính, không nên ngược với hướng nhà có thể gây âm dương tương phản, dễ gây bất trắc, nô bộc phản bội hoặc con cái không hiếu thuận, tài vận và gia vận bị ảnh hưởng. Bàn thờ Thần Phật thì nên đặt ở hướng chính hoặc quay bên trái, bên phải. Bàn thờ gia tiên tốt nhất nên đặt ở tầng một, gian chính giữa nhà, quay ra cửa lớn để khi vừa mở cửa vào đã nhìn thấy gia tiên, tiện bề chăm sóc.

- Số lượng Thần Phật thờ phải là số dương, do Thần Phật thuộc dương vì vậy phải dùng số lẻ, không nên thờ cùng lúc quá nhiều Thần Phật, hoặc thờ cùng lúc hai thần xung khắc nhau có thể gây loạn linh khí khiến người trong nhà tinh thần bất an, dễ gặp tai họa. Nếu có đặt tượng Thần Phật mà tượng ấy lại bị nứt thì nên nhanh chóng thay mới do tà khí có thể xâm nhập vào.

- Bàn thờ có thờ chung Thần Phật và bài vị tổ tiên thì Thần Phật đặt ở bên trái, tổ tiên đặt ở bên phải, nếu đặt ngược lại sẽ gây âm thịnh dương suy không tốt cho phong thủy, trong nhà dễ gặp thị phi kiện tụng, bệnh tật không dứt. Thông thường người ta đặt nơi thờ cúng tổ tiên trước rồi mới đến Thần Phật.

- Tổ tiên được coi là chủ, Thần Phật được coi là khách quý, nếu mời Thần Phật trước rồi mới mời tổ tiên người xưa cho rằng như vậy khiến tổ tiên nhà mình không dám vào cửa. Bài vị tổ tiên cũng không được đặt cao hơn của Thần Phật. Bàn thờ phải có chỗ dựa lưng, tức kê sát vách tường để linh khí được hội tụ không bị tản mát

- Bát hương thờ tổ tiên nên có tay cầm, bát hương thờ Thẩn không nên có tay cầm. Vật liệu bát hương tốt nhất là dùng bằng sứ, sau đó đến đồng, không nên dùng đá hoa cương.

- Bóng đèn phía trước không nên xung với bàn thờ, không nên dùng đèn chiếu.

Bàn thờ cũng không đặt ở vị trí dưới xà nhà, nếu không có vị trí tốt hơn thì phải làm trần, ngoài ra bên trên không được có máy móc như máy điều hòa, máy hút mùi, loa dài.

- Số lượng thờ Thần Phật nhiều nhất là 3, không nên quá nhiều dễ gây bất an. Bát hương nên dùng hình tròn không có chân đế, chất liệu bằng sứ là tốt nhất. Bát hương thông thường không nên quá đầy tro, ngày 15 âm hằng tháng có thể rút bớt chân hương cho sạch sẽ.

- Bát hương thờ Thần Phật nên cao hơn bát hương thờ tổ tiên, khi cắm hương thì nén hương nên cao hơn mắt người. Khi đốt hương chỉ nên đốt một que, nếu có điều cần khấn nguyện thì đốt ba que, không nên đốt nhiều hơn dễ khiến tà linh theo vào nhà. Vật phẩm thờ cúng cũng cần chú ý một số điểm sau: thờ Phật và Quan Âm chỉ được dùng đồ chay do nhà Phật không ăn đồ tanh; thờ Thần chủ yếu dùng hoa quả và phải là số lẻ 1, 3, 5, nếu cúng tổ tiên thì số lượng là hai chữ số.

- Bàn thờ không được dựa vào trụ nhà, không được có cửa sổ bên cạnh (do không thể tụ được khí). Bàn thờ cũng không được áp lưng vào nhà bếp vì có thể khiến chủ nhân dễ bị kích động, tính tình thất thường, nóng nảy, có bệnh về cột sống.

- Phía sau bàn thờ đặc biệt không được có nhà vệ sinh, nhà tắm do có âm khí và xú khí nặng, theo phong thủy dễ khiến “chư thần thoái vị", chủ nhà dễ bị trúng phong, gặp ác mộng, đau lưng. Sau bàn thờ cũng không được có thang máy, cầu thang, nếu không chủ nhân dễ bị tán tài, thương tật ở lưng.

- Bàn thờ không được đối diện với lò, bếp, nhà vệ sinh, kể cả hướng lệch sang bên cũng không tốt. Nếu không còn vị trí nào khác để đặt bàn thờ thì nên lấy bình phong che lại. Phòng thờ không nên đặt ở nền đất vốn trước đây là nhà bếp, nhà vệ sinh do chất đất không tốt. Trên bàn thờ kỵ đặt các vật linh tinh, dao kéo, thuốc men, không được dùng tủ thờ làm nơi cất giữ đồ đạc hoặc bể cá, vô tuyến, loa dài.

- Vật liệu làm bàn thờ nên sử dụng gỗ long não, đàn hương và nên điêu khắc thủ công là tốt nhất do các loại gỗ này tránh mối mọt, có thể sử dụng từ đời này sang đời khác.

- Trên bàn thờ không nên đặt chậu cây cảnh mà chủ yếu dùng hoa tươi để thờ phụng, không nên dùng hoa nhựa. Chủ nhà thường xuyên vệ sinh khu vực xung quanh, nên thắp hương vào sáng và tối. Người xưa quan niệm rằng nếu khói hương bay thẳng lên là tốt, nếu cuốn thành vòng tròn hoặc tản mát là có “ngoại linh đang tranh cướp”. Nếu bát hương bàn thờ thẩn tự nhiên bốc cháy là may mắn, nếu bát hương thờ tổ tiên cháy là điềm báo hung.

- Nếu bàn thờ của nhà có thờ cả họ nội và họ ngoại thì họ nội đặt bên trái, họ ngoại đặt bên phải, nhưng phải dùng vạch sơn màu đỏ phân chia rõ ràng hoặc dùng tấm vách ngăn sơn đỏ để tránh tranh chấp nhau.

- Bàn thờ không nên treo trên không, không có chỗ dựa lưng hoặc trên đường đi. Sở dĩ có quan niệm này vì người xưa cho rằng bàn thờ là nơi cần được hội tụ linh khí, khí trường bàn thờ sung mãn có thể khiến toàn gia đình được an lành hạnh phúc. Nếu bàn thờ treo trên không, không có chỗ dựa lưng hoặc ở nơi đi lại dễ khiến người trong nhà bất an, gia vận trồi sụt khó đoán.

- Bàn thờ không được xung với đường đi: Bàn thờ bị đường đi đâm thẳng vào dễ gây bất an tổn hại đến cung tài lộc, nhân đinh của gia đình, dễ gây tai nạn ngoài ý muốn hoặc bệnh tật tấn công.

- Bàn thờ ngược với hướng nhà dễ khiến người trong nhà bất hòa, dễ gặp bất trắc bệnh tật. Nếu đặt ở vị trí quay sang trái hoặc sang phải nhà thì chủ nhân dễ có tâm sự phiền muộn khó nói ra. Nếu bàn thờ đối diện với nhà vệ sinh thì người trong nhà gặp nhiều bệnh tật đau đớn.

- Nếu bàn thờ đối diện với nhà bếp dễ khiến người trong nhà hay tranh cãi những việc nhỏ, tính tình nóng nảy. Nếu phía trên bàn thờ có xà nhà có thể khiến chủ nhân dễ bị đau đầu, cuộc sống vất vả. Nếu đặt đối diện với cầu thang, chủ nhân dễ bị động dao kéo, tai nạn đổ máu. Nếu đặt dưới cầu thang thì người trong nhà khó có cơ hội phát triển. Nếu đặt trên nền đất lồi lõm không bằng phẳng có thể khiến chủ nhân gặp khó khăn trong mọi việc. Nếu phía trên, dưới, trái, phải bàn thờ có cửa sổ thì chủ nhân dễ bị tán tài.

8. Những điều cấm kỵ cần lưu ý khi lập bàn thờ

Người xưa có câu “Độ sâu của bàn thờ Phật (khám thờ) nhất định phải dài 1 xích 2 thốn (gần bằng 40cm), độ rộng phải là 3 xích thốn 5 phân (từ 120 - 121 cm). Chiều sâu biểu thị 12 tháng, chiều rộng biểu thị 365 ngày.

Đó là ngày xưa, khi đất nhà còn rộng rãi và bàn thờ đặt suốt một gian nhà nên có độ rộng và sâu như vậy.

Ngày nay, do nhiều yếu tố nên kích thước bàn thờ có sự thay đổi: Loại nhỏ: sâu 40cm rộng 60cm; Loại trung: sâu 60cm rộng 80cm (hoặc 120cm); loại lớn: sâu 80cm rộng 120cm (hoặc 160cm)

Về việc đặt bàn thờ, bạn phải chú ý tránh 12 điều đại kỵ sau:

1. Không đặt bàn thờ sát nhà tắm. Bởi theo quan niệm, tắm rửa là việc trút bỏ ô uế, vì vậy, nếu đặt bàn thờ cạnh nơi này sẽ làm mất đi không khí tôn nghiêm.

2. Không đặt bàn thờ ở lối đi lại. Nếu đặt ở lối đi lại ồn ào sẽ làm mất đi sự thanh tịnh của nơi thờ cúng. Như vậy, gia đình sẽ ít có may mắn và tài lộc.

3. Không đặt bàn thờ nhìn ra hướng Ngũ Quỷ: Đông Bắc, hướng Tây Nam.

4. Không đặt bàn thờ ở Tây Nam nhìn hướng Đông Bắc.

5. Không đặt bàn thờ ở Đông Bắc nhìn hướng Tây Nam.

6. Không đặt bàn thờ ở hướng Đông, Đông Nam nhìn hướng Tây.

7. Không đặt bàn thờ trên nóc tủ.

8. Không lấy gỗ đã qua sử dụng để làm bàn thờ.

9. Bàn thờ Thần và Phật có thể để chung, song không nên để bát hương sát nhau.

10. Bàn thờ tổ tiên không nên đặt ở trung tâm nhà, vì sợ hung. Tuy nhiên, bàn thờ Phật có thể đặt ở trung tâm nhà.

11. Bàn thờ tổ tiên và bàn thờ Phật không nên đặt đối nhau trong một gian phòng.

12. Không nên treo ảnh người quá cố cao hơn bàn thờ.

Viết bình luận