Ngày Quốc tế người khuyết tật - Lịch sử & ý nghĩa
Mục lục nội dung
Con người sinh ra là bình đẳng, tuy nhiên, giữa những người may mắn được sinh ra lành lặn thì luôn có những người kém may mắn phải sống với những khiếm khuyết bẩm sinh, hoặc vì một tai nạn nào đó mà mất đi một phần, một chức năng của cơ thể. Họ chịu nhiều thiệt thòi bởi những khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày cũng như công việc. Tuy nhiên, họ cũng chính là những người giàu nghị lực luôn vươn lên trong cuộc sống.
1. Lịch sử ngày Quốc tế Người khuyết tật
Theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc, trong số hơn 7 tỉ người trên thế giới thì có hơn 1 tỉ người, khoảng gần 15% dân số, sống với một khiếm khuyết trên cơ thể. Và 80% trong số họ sinh sống tại các nước đang phát triển.
Trên khắp thế giới, hơn một tỷ người khuyết tật đang phải đối mặt với những rào cản về thể chất, xã hội, kinh tế và tâm lí vốn luôn cản trở họ tham gia đầy đủ, hiệu quả và bình đẳng vào đời sống xã hội. Người khuyết tật vẫn thường không được tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ cơ bản như giáo dục, việc làm, y tế và các hệ thống hỗ trợ xã hội và pháp lý. Thực tế này khiến cho những người khuyết tật phải chịu nhiều thiệt thòi, thậm chí còn hơn cả những người nghèo.
Trước tình hình đó, với nghị quyết 47/3 ngày 14/10/1992, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã công bố ngày 3/12 hàng năm là ngày Quốc tế Người khuyết tật.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa XIII) đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền của người khuyết tật, tạo căn cứ pháp lý khẳng định cam kết bảo vệ và thực thi quyền của người khuyết tật tại Việt Nam.
2. Ý nghĩa ngày Quốc tế Người khuyết tật
- Ngày kỷ niệm này nhằm hướng đến cuộc sống cộng đồng và mục đích thúc đẩy sự hiểu biết về vấn đề khuyết tật và huy động hỗ trợ về các giá trị, quyền và phúc lợi của người khuyết tật.
- Ngày kỷ niệm này còn giúp nâng cao nhận thức về sự tham gia của người khuyết tật trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa.
3. Các hoạt động kỷ niệm
Nhà nước đã đưa ra các chính sách quan tâm, trợ giúp người khuyết tật, tuy nhiên những chính sách này cần được chuyển thành các hành động cụ thể, trước hết là tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong vấn đề hỗ trợ, chăm lo cho người khuyết tật; đảm bảo cuộc sống cho người khuyết tật ngày càng tốt hơn, giúp họ được tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, hòa nhập với cộng đồng, được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng và các dịch vụ khác phù hợp với các dạng tật và mức độ khuyết tật.
- Vào ngày Quốc tế Người khuyết tật, nhiều hoạt động đã diễn ra sôi nổi. Các băng rôn, khẩu hiệu được treo ở các trục đường chính, tuyên truyền sâu rộng về vai trò cũng như quyền lợi của người khuyết tật trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài phát thanh và truyền hình các cấp.
- Các tổ chức và chính quyền cũng tổ chức thăm và tặng quà cho những người khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tuyên dương và trao bằng khen cho những người khuyết tật có thành tích trong các hoạt động kinh tế xã hội.
- Các tổ chức, cấp chính quyền cũng tổ chức mít tinh, họp mặt trọng thể, các giải thể dục thể thao dành cho người khuyết tật, các cuộc thi tài năng,... được tổ chức
4. Những người khuyết tật nổi tiếng
Nguyễn Ngọc Ký
Ông sinh năm 1947, quê ở Hải Hậu, Nam Định. Năm lên 4 tuổi, Nguyễn Ngọc Ký gặp cơn bạo bệnh và bị liệt cả hai tay, nhưng đến tuổi đi học cậu vẫn kiên trì tập viết bằng chân. Lớn lên, chàng thanh niên tốt nghiệp ngành Ngữ Văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trở thành một thầy giáo tận tâm, yêu nghề và cũng là người truyền cảm hứng cho bao thế hệ thanh niên Việt Nam.
Stephen Hawking
Ông là nhà vật lí lí thuyết, vũ trụ học, tác giả viết sách khoa học thường thức người Anh, hiện là Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm Vũ trụ học lí thuyết thuộc Đại học Cambridge. ông sinh năm 1942, năm 21 tuổi, bị mắc bệnh xơ cứng teo cơ và liệt gần như hoàn toàn. Tuy nhiên, không khuất phục số phận, ông đã kiên trì học tập, làm việc, ông đưa ra nhiều công trình nghiên cứu nổi tiếng về hố đen trong vũ trụ, được coi là ông hoàng vật lí lí thuyết của thế giới trong suốt nhiều thập kỷ.
Ludwing Van Beethoven
ông là nhà soạn nhạc lừng danh người Đức, bắt đầu bị xơ hóa thính giác từ năm 3 tuổi, đến năm 48 tuổi thì điếc hoàn toàn. Tuy nhiên, ông vẫn sáng tác nhạc, thậm chí những tác phẩm xuất sắc nhất, nổi bật nhất trong toàn bộ di sản của ông, như Bản giao hưởng số 8 và số 9 lại được sáng tác trong thời gian sau này.
Nick Vujicic
Anh sinh năm 1982 tại Australia, bị hội chứng et ra-amelia bẩm sinh, một loại rối loạn rất hiếm gặp. Nick không có tay, hai chân rất nhỏ và hầu như không giúp gì được cho anh trong việc di chuyển. Bất chấp những khó khăn trong cuộc sống, anh trở thành một diễn giả nổi tiếng, với 1.600 bài phát biểu tại hàng chục quốc gia, truyền cảm hứng sống và vươn lên cho hàng triệu người.
Viết bình luận