Ngày Quốc tế lao động - Nguồn gốc & các hoạt động kỷ niệm
Mục lục nội dung
Hằng năm, người lao động trên toàn thế giới lại cùng nhau kỉ niệm ngày Quốc tế Lao động mồng Một tháng Năm Tại Việt Nam, đây là một ngày mà mọi người dân ai ai cũng được nghỉ ngơi, vui chơi không phải làm việc. Tuy vậy, không phải ai cũng biết được lịch sử cũng như ý nghĩa trọng đại của ngày này.
1. Nguồn gốc ngày Quốc tế Lao động
Ngày Quốc tế Lao động có nguồn gốc từ cuộc đấu tranh của những người công nhân Mỹ. Ngày 1/5/1886, 40.000 công nhân tại thành phố Chicago nước Mĩ tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu cầu 8 giờ làm việc cho mỗi ngày: “Mỗi ngày có 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!”. Cuộc đấu tranh bắt đầu từ Chicago đã nhanh chóng lan sang Washington, New York, Boston...
Ngày mồng Một tháng Năm được chọn diễn ra cuộc biểu tình bởi đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được ký. Nhưng do yêu cầu của công nhân không được đáp ứng một cách đầy đủ, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình.
Dù bị đàn áp nặng nề nhưng giới chủ tư sản sau đó đã buộc phải chấp nhận yêu cầu của công nhân. Ba năm sau đó, Đại hội lần thứ nhất Quốc tế Cộng sản II, họp tại Paris, Pháp đã quyết định lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản các nước.
Ở Việt Nam, sau cách mạng tháng Tám năm 1945, nước nhà độc lập, ngày 2/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh quy định công nhân, lao động được hưởng lương trong ngày nghỉ Quốc tế Lao động mồng Một tháng Năm hàng năm. Cũng từ đó, ngày 1/5 được coi là một trong những ngày lễ chính thức hàng năm của Nhà nước ta.
2. Ý nghĩa ngày Quốc tế Lao động
- Ngày Quốc tế Lao động được công nhân lao động coi như ngày hội của mình, ngày quyền lợi của những người lao động được thừa nhận, những cống hiến của họ được tôn vinh. Là ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
3. Các hoạt động kỷ niệm
- Vào ngày này, toàn thể người lao động được nghỉ ngơi, không phải làm việc. Họ cùng gia đình đi chơi, ăn uống vui vẻ.
- Các cơ quan tổ chức các hoạt động văn hóa - thể dục thể thao tại đơn vị mình trong dịp này. Nhiều công đoàn cơ sở các doanh nghiệp đã tổ chức các cuộc thi nấu ăn, thi cắm hoa, thi văn nghệ giữa các bộ phận trong doanh nghiệp; tổ chức các giải đấu thể thao: bóng chuyền, bóng bàn, bóng đá... trong đơn vị. Có nơi kết hợp đợt nghỉ lễ dài ngày (kèm với ngày nghỉ lễ 30 tháng Tư) đã tổ chức cho người lao động đi tham quan du lịch.
Viết bình luận