Ngày Quốc tế hạnh phúc - Nguồn gốc & ý nghĩa
Mục lục nội dung
Trong cuộc sống của mỗi người, ai cũng hướng tới mục đích mưu cầu hạnh phúc. “Quyền được mưu cầu hạnh phúc” là một trong những quyền con người đã được nêu lên trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Độc lập của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1945. Thế giới cũng có một ngày để đề cao mong muốn và niềm tin vào cuộc sống hạnh phúc của con người.
1. Nguồn gốc ngày Quốc tế Hạnh phúc
Từ những năm 1970, nhà vua của Vương quốc Bhutan (tên đầy đủ là Vương quốc Phật giáo Bhutan Himalaya, nằm sâu trong lục địa miền đông Himalaya) đã đưa ra một cách thức mới để đánh giá sự thịnh vượng của xã hội, đó là thông qua chỉ số hạnh phúc quốc gia. Chỉ số này được tính toán dựa trên các chỉ số về sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân. Tuy là một quốc gia đang phát triển có tổng sản phẩm quốc nội thấp nhưng Bhutan lại là một trong những quốc gia có chỉ số hạnh phúc hàng đầu thế giới. Khẩu hiệu của Bhutan là; “Hạnh phúc tự nhiên cho dân tộc”.
Không ai trên thế giới lại không lấy hạnh phúc là đích đến của cuộc đời mình. Mọi người đều luôn luôn tự hỏi, hạnh phúc là gì, làm thế nào có thể tìm được hạnh phúc cho mình. Hạnh phúc là khao khát sâu xa của tất cả mọi người. Chính vì vậy, theo đề xuất của Vương quốc Bhutan, ngày 28/2/2012, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết lấy ngày 20/3 hàng năm là Ngày Hạnh phúc cho toàn thế giới. Và ngày Quốc tế Hạnh phúc đầu tiên đã được Liên Hiệp Quốc tổ chức vào 20/3/2013.
2. Tai sao lại chọn ngày 20 tháng 3 là ngày Quốc tế Hạnh phúc
Việc Liên Hiệp Quốc chọn ngày 20 tháng Ba là ngày Quốc tế Hạnh phúc vì đây là ngày đặc biệt trong năm, mặt trời nằm ngang đường xích đạo, vì thế ngày này có độ dài ngày và đêm bằng nhau - là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ. Cũng là biểu tượng của sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực... Bởi vậy ngày 20 tháng Ba - Ngày Quốc tế Hạnh phúc cũng chuyển tải thông điệp rằng: Cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc.
3. Những hoạt động trong ngày Quốc tế Hạnh phúc
Vào ngày này, khắp nơi đều có các hoạt động để đem lại niềm vui cho mọi người. Mọi người bày tỏ lòng thương yêu, chia sẻ, biểu thị mong muốn, niềm tin và quyết tâm phấn đấu vì một thế giới hòa bình, không có chiến tranh, không còn đói nghèo; một thế giới phát triển thịnh vượng và bền vững; một thế giới mà tất cả mọi người dù khác màu da, dân tộc, tôn giáo đều được hưởng trọn vẹn hạnh phúc.
4. Quyền hạnh phúc của con người
Hạnh phúc là khi người ta có niềm vui, là khi chúng ta được thỏa mãn những nhu cầu hàng ngày như: Ăn, mặc, ở,... ngoài ra còn có các nhu cầu khác như yêu và được yêu, được khẳng định mình, khám phá, chinh phục tự nhiên - xã hội... Tuy nhiên, con người không phải lúc nào cũng cảm thấy hạnh phúc bởi cuộc sống luôn có những nỗi buồn, những khó khăn mà chúng ta phải vượt qua.
Hạnh phúc không phải luôn luôn ngay bên cạnh ta mà đôi khi ta phải cất công tìm kiếm. Đó là một hành trình dài và có những nguyên tắc mà ta cần tuân theo. Hạnh phúc không thể trọn vẹn nếu ta bất chấp mọi giá để đạt những cái ta muốn, bởi điều đó là vô cùng nguy hiểm, sự mất mát ta gây ra sẽ không thể bù đắp và sẽ có tác dụng ngược.
Vì vậy, việc tìm kiếm hạnh phúc nói chung phải tuân theo các chuẩn mực đạo đức xã hội (nói cách khác là theo chân lý và chính nghĩa) thì mới có hiệu quả.
Viết bình luận